Tham nhũng
Một nhận thức chung về tham nhũng được đa số thừa nhận, đó là một
hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước.
Nó hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, giàu
nghèo, phát triển hay đang phát triển hoặc kém phát triển. Tham nhũng nảy sinh,
tồn tại và hoành hành do sự hư hỏng, biến chất không chỉ của những người có chức
quyền mà còn của cả những người được giao thực hiện những công vụ bình thường
đã làm biến dạng quyền hạn và công vụ được giao phó. Nói cách khác, quyền hạn
hay công vụ trao cho họ đáng lý ra phải được thực hiện vì lợi ích chung của cả
xã hội thì lại bị lạm dụng vào mục đích trục lợi cho riêng cá nhân.
Thông thường, những kẻ tham nhũng được coi là những kẻ tham ô và
ngược lại, bởi giữa hai hành vi tham nhũng và tham ô đều có điểm giống nhau ở
chủ thể thực hiện hành vi và mục đích của hành vi. Nghĩa là cả hai hành vi này
đều do những kẻ có quyền, hay lợi dụng công vụ để trục lợi bất chính. Theo Từ
điển tiếng Việt (của Viện Ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm
2002), tham nhũng là “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”,
tham ô là “Lợi dụng quyền hạn và chức trách để ăn cắp của công”(1). Trên
thực tế, nếu so sánh với hành vi tham ô, thì thủ đoạn, cách thức tham nhũng lại
kín kẽ hơn, tinh vi hơn, xảo trá hơn, và, phạm vi, quy mô tham nhũng cũng có mức
độ rộng hơn, gây hậu quả trầm trọng hơn rất nhiều. Tham nhũng hiện không chỉ dừng
lại ở hành vi của một cá nhân có chức quyền, mà đâu đó còn là hành vi của cả một
tập thể ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị - những người có quyền hạn và có cả “ô dù”
che chắn từ cấp cao hơn. Có những hành vi tham nhũng không chỉ ngấm ngầm trong
nội bộ một cơ quan, đơn vị mà còn là sự cấu kết một cách có tổ chức, có liên kết
với một vài cơ quan, đơn vị khác. Hành vi tham nhũng không chỉ thường hoành
hành ở lĩnh vực kinh tế, như trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ
phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước,... mà
điều đáng quan ngại là nó còn len lỏi cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, ở
cả trong các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý, như giáo dục, y tế, thực hiện
chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện,… Nếu chỉ nói riêng những thiệt hại to lớn
về kinh tế cho nền kinh tế quốc dân (ấy là còn chưa nói tới những hậu quả khôn
lường về chính trị, xã hội và tư tưởng trong đời sống xã hội) do những kẻ tham
nhũng gây ra thì cũng đã là căn cứ đầy đủ để nhiều quốc gia trên thế giới,
trong đó có Việt Nam, chính thức ghi tội danh tham nhũng vào Bộ luật Hình sự của
mình.
Nguyên nhân
Tại các cuộc đàm phán về Công ước chống tham nhũng của Liên hợp
quốc trước đây, người ta đều khẳng định là nơi nào hệ thống pháp luật còn lỏng
lẻo, các quy trình ra quyết định và hoạch định chính sách còn thiếu minh bạch,
thủ tục hành chính còn rườm rà, lương công chức còn thấp,… thì ở đó tình trạng
tham nhũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, đồng thời số vụ có
tính chất xuyên quốc gia cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam thuộc
nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011, tuy có những tiến bộ nhất định,
nhưng Việt Nam vẫn là những nước có điểm số thấp và vẫn đứng ở phía cuối bảng xếp
hạng, thứ 112, được 2,9 điểm, trên tổng số 183 quốc gia và lãnh thổ tham gia xếp
hạng. (Năm 2010, Việt Nam ở hạng thứ 116 với 2,7 điểm trong tổng số 178 quốc
gia và lãnh thổ tham gia xếp hạng. Trước đó, năm 2009, trong số 180 quốc gia và
lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 120 và điểm cũng là 2,7). Với số điểm đạt thấp như
vậy, Theo TI, tình hình tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với một số nước
ở châu Á, như Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Thái Lan,
In-đô-nê-xi-a,...
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “…tình trạng tham
nhũng, lãng phí, quan liêu…chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến
phức tạp,…”(2).
Vì sao tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn
tiếp tục diễn biến phức tạp? Có rất nhiều nguyên nhân lý giải về tình trạng đó.
Có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Có nguyên nhân do sự sơ hở của
tổ chức bộ máy, do sự thiếu đồng bộ và đầy đủ, thậm chí còn nhiều “kẽ hở” của hệ
thống chính sách, pháp luật. Có nguyên nhân thuộc về công tác kiểm tra, giám
sát còn thiếu chặt chẽ, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Có nguyên nhân do đấu tranh và
xử lý những hành vi tham nhũng chưa kịp thời, chưa thường xuyên, chưa nghiêm,
còn tình trạng nể nang, né tránh, sợ “đứt dây động rừng”,… Ngoài những nguyên
nhân này, theo chúng tôi, nhất định phải chỉ ra một vài nguyên nhân cơ bản sau
đây:
Thứ nhất, sự suy thoái về phẩm chất
đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những
cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng vạch rõ: “Tình trạng suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(3).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng chỉ rõ một trong những vấn đề cấp bách
nếu không được giải quyết sẽ trở thành thách thức đối với vai trò lãnh đạo của
Đảng và sự tồn vong của chế độ ta. Đó là tình trạng “Một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả
một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với
những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân
ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ,
tham nhũng, …”(4).
Tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi,
tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng,…dễ dàng đưa không ít người từ chỗ
là những cán bộ tốt, những “công bộc” của nhân dân đến chỗ sa ngã, biến chất,
trở thành những “sâu mọt” đục khoét, trục lợi bất chính cho cá nhân. Bác Hồ đã
từng gọi những kẻ biến chất đó là thứ “giặc nội xâm” bởi hậu quả do họ gây ra
thật sự nguy hiểm, không lường hết được. Sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng
viên có chức có quyền đó cho thấy, một mặt, do bản thân họ không tự
thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm cách của người đảng viên; mặt
khác, công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên
đã không được quan tâm đúng mức hoặc triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, chưa
hiệu quả, thậm chí ở nơi này nơi khác công tác đó còn bị xao nhãng, lãng quên.
Thứ hai, còn thiếu những chế độ,
chính sách, quy định chặt chẽ để từng bước ngăn chặn tham nhũng, hay nói cụ thể
hơn, để hạn chế và loại bỏ trên thực tế những điều kiện dung dưỡng cho sự nảy nở
của tệ nạn này.
Chẳng hạn, chế độ tiền lương đối với đại đa số cán bộ, viên chức
ở nước ta hiện nay, tuy đã nhiều lần được điều chỉnh theo hướng tăng lương cơ bản,
những vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản thiết yếu, bởi trên thực tế,
trong cuộc sống hằng ngày, luôn diễn ra tình trạng “lương tăng nhưng không theo
kịp giá tăng”. Điều đó cộng với sự tác động của những mặt tiêu cực trong cơ chế
thị trường đã dễ làm nảy sinh ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức, nhất
là ở những người có chức quyền hay những người được giao thực thi những công vụ
“kiếm ra tiền” tư tưởng xoay xở trục lợi. Thực tế cho thấy đã có không ít cán bộ,
đảng viên bị mua chuộc quá dễ, họ sẵn sàng nhận hối lộ, dễ sa vào những hành vi
trục lợi dù bản thân quá hiểu như thế là tham nhũng.
Hoặc như, chúng ta luôn yêu cầu việc cần thiết phải kê khai hằng
năm tình hình thu nhập và toàn bộ tài sản của cán bộ, viên chức, nhất là của những
cán bộ có chức quyền và của những người làm việc trong những lĩnh vực rất dễ xảy
ra tiêu cực, như đất đai, nhà ở, hợp tác đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập
khẩu, hải quan, y tế, giáo dục đào tạo,…Thế nhưng, trên thực tế quy định này xem
ra còn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thường xuyên và chưa có sự kiểm
tra, kết luận về tính trung thực của những bản kê khai đó. Trong khi đó đa số
các nước đều có quy định công chức phải kê khai tài sản, nhất là đối với số
công chức giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý. Tại Trung Quốc, mỗi năm 2 lần
công chức phải kê khai tài sản. Cán bộ lãnh đạo phải kê khai rõ các khoản, như
tiền tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, đồ dùng có giá trị trên 10.000 NDT, nếu
không giải thích rõ ràng nguồn gốc thì tài sản đó bị coi là phi pháp. Thái Lan
còn yêu cầu công chức sau khi thôi chức cũng phải kê khai tài sản. Công chức
nào không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý và bị đưa tin công
khai trên các phương tiện truyền thông. Tại Ma-lai-xi-a, cơ quan đăng ký tài sản
công chức có quyền sa thải công chức nếu công chức không giải thích được nguồn
gốc tài sản của mình. Luật Chống tham nhũng năm 1989 của Xin-ga-po cho phép toà
án tịch thu bất cứ tài sản nào của công chức nếu họ không giải thích được nguồn
gốc tài sản đó.
Thứ ba, tính tích cực của người dân
trong đấu tranh chống tham nhũng chưa được phát động thường xuyên.
Người dân còn chưa thực sự được hướng vào hoạt động này một cách
có tổ chức và có sự chỉ đạo chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, bản
thân đa số người dân, do thiếu thông tin, trình độ dân trí còn hạn chế, chưa nhận
thức thật đầy đủ vai trò của mình trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội với
tư cách vừa là người chủ, vừa là công dân.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là cơ chế, chính sách, thậm chí
cả luật pháp khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn
nhiều hạn chế. Điều đó cắt nghĩa cho việc giải thích tại sao tư tưởng “đấu
tranh - tránh đâu” vẫn còn là điều không dễ vượt qua.
Thứ tư, vai trò của các cơ quan bảo vệ
pháp luật, như công an, viện kiểm sát, tòa án chưa được phát huy đầy đủ nhất.
Trên thực tế, những tiêu cực, hành vi tham nhũng lại hiện diện ở
cả chính những cơ quan này mà chưa được tích cực ngăn chặn, đẩy lùi càng làm hạn
chế hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Những trường hợp thanh tra
viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở
nhiều nơi. Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức
và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường.
Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “chi
phí không chính thức” tuy thiệt hại không lớn, nhưng diễn ra một cách tràn lan ở
nhiều nơi, khiến người dân rất bức xúc.
Biện pháp ngăn ngừa
Qua phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng,
đồng thời nếu xét về đối tượng, thủ đoạn của hành vi tham nhũng, rõ ràng là nếu
chống tham nhũng bằng các biện pháp đơn lẻ thì ắt hẳn sẽ không hiệu quả.
Nó đòi hỏi phải có sự kết hợp thống nhất, thực hiện đồng bộ giữa
những biện pháp mang tính cấp bách với những giải pháp mang tính chiến lược; giữa
những biện pháp mang tính trừng trị với những biện pháp mang tính ngăn ngừa
trong sự huy động và phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng đấu tranh chống tham
nhũng. Một số biện pháp đề xuất dưới đây không phải là quan trọng hơn những biện
pháp khác, nhưng theo chúng tôi, là cần thiết và phải được chú trọng thực hiện
đồng thời cùng những biện pháp hữu hiệu khác trong đấu tranh chống tham nhũng.
Một là, thực sự coi trọng biện pháp
giáo dục đạo đức cách mạng.
Thực tế cho thấy, nhiều nước coi việc giáo dục đạo đức cho công
chức và xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng
đầu tiên để hạn chế tham nhũng, làm cho công chức tự nhận thức rằng "không
nên tham nhũng ". Một số nước ban hành luật về đạo đức của công chức (Thụy
Điển, Đức, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a,...). Trung Quốc đã ban hành các văn bản quy định
về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ của Đảng và
Nhà nước. Chính phủ Xin-ga-po giáo dục đạo đức "tự răn mình" cho công
chức ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn công chức của Chính phủ ...
Ở nước ta, để tiến tới mục tiêu xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh” thì phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư” càng phải được đặt lên hàng đầu trong hệ tiêu chuẩn chọn lựa và bố
trí cán bộ, nhất là đối với những cán bộ được bố trí vào những vị trí lãnh đạo
chủ chốt. Nếu người cán bộ lãnh đạo, quản lý nào đó cho rằng trong thời kỳ đổi
mới hiện nay chỉ cần tài năng, chuyên môn nghiệp vụ là đủ, còn vấn đề phẩm chất
đạo đức chỉ là “thứ yếu” thì người cán bộ đó hẳn đã quên lời dạy của Bác Hồ: “đạo
đức là cái gốc của người cách mạng”. Không giữ được sự trung thực, trong sạch,
trách nhiệm với công việc là điều hoàn toàn xa lạ với tư cách của người đảng
viên cộng sản chân chính. Những cán bộ, đảng viên được nhân dân tín nhiệm trao
cho nắm giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, tuyệt đối không được
biến mình thành kẻ mê say quyền lực, giàu sang phú quý một cách bất chính. Lời
Bác dạy phải được coi là lời tuyên thệ mẫu mực của những người đảng viên của Đảng
Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội
tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành
lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; gắn bó mật
thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách
nhiệm về những quyết định của mình.
Hai là, xét xử nghiêm minh, kịp thời
và công khai với những mức hình phạt thích đáng đối với các hành vi tham
nhũng.
Các nước trên thế giới đều coi tham nhũng là tội phạm hình sự và
quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý loại tội phạm này nhằm làm cho công chức
"không dám tham nhũng". Trong bộ luật hình sự của hầu hết các nước đều
có một chương riêng quy định về tội tham nhũng, về những hành vi tham nhũng và
mức hình phạt tương xứng với những hành vi ấy. Một số nước có văn bản pháp luật
riêng về chống tham nhũng nhưng không phải là một đạo luật độc lập mà nó tồn tại
song song bên cạnh bộ luật hình sự. Theo Công ước chống tham nhũng của Liên hợp
quốc, tất cả tài sản do tham nhũng đều bị tịch thu và xử lý như sau: trả về nước
đã bị mất tài sản để nước đó trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ;
dành một phần chi cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung; chi một phần
cho việc phát hiện, thu giữ tài sản đó. Một số nước có Luật Sung công tài sản của
người bị nghi là tham nhũng nếu họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của
tài sản đó,…
Đương nhiên, nếu hành vi tham nhũng có mức độ vô cùng nghiêm trọng
thì không chỉ xử bằng mức hình phạt kinh tế mà thậm chí phải xét xử với mức
hình phạt cao nhất. Nhìn lại lịch sử phong kiến Việt Nam, trong Bộ luật Hồng Đức
được thực thi cách đây hơn 5 thế kỷ dưới thời vua Lê Thánh Tông có 26 điều
(trong tổng số 722 điều của Bộ luật này) quy định khung hình phạt cụ thể đối với
từng tội danh liên quan đến hành vi tham ô, nhũng nhiễu. Chẳng hạn trong Điều
138 có ghi rằng, quan tri làm sai phép ăn hối lộ từ 1 tới 9 quan thì phải tội
biếm hay bãi; từ 10 tới 19 quan thì phải tội đồ hay lưu; từ 20 quan trở lên thì
phải tội chém;… Hay trong Điều 163 cũng ghi rõ rằng, quan tướng mà sách nhiễu
tiền tài của dân thì bị biếm ba bậc và bồi gấp đôi số tiền trả lại cho dân.
Ngôn từ của những điều luật này tuy cũ, song nội dung của nó, thiết nghĩ đến
ngày nay vẫn có giá trị và cũng đáng để chúng ta suy ngẫm về tính nghiêm minh của
nó khi triển khai việc nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa những văn bản pháp luật, như
Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự,… sao cho thống nhất, đồng bộ.
Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tác hại của tham nhũng, Đảng
đã đưa ra những nghị quyết về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như gần đây nhất
là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (Nghị quyết số 04-NQ/TW
ngày 21-8-2006), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về Tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhà nước đã ban hành Luật Phòng, chống
tham nhũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006. Chính phủ đã thông qua Chiến
lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đến năm 2020…
Ba là, cần thành lập một tòa án đặc
biệt chống tham nhũng.
Tòa án này gồm những người thực sự trung thực, trong sạch, có bản
lĩnh chính trị, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để xử lý nghiêm minh đối
với các tội phạm tham nhũng. Có một thực tế là, việc phát hiện ra kẻ tham nhũng
lại chẳng khó bằng việc xét xử nó. Bởi trên thực tế vẫn còn những nhận thức lệch
lạc, những lực cản trong việc xử lý, vẫn còn có sự ‘can thiệp”, sự che chắn từ
bên trên, bên ngoài và ngay cả trong các cơ quan chức năng… Điều cơ bản để chấm
dứt tình trạng này là: Ai và ở đâu tham nhũng thì kẻ đó và nơi ấy phải bị xử lý
theo pháp luật. Thậm chí, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng
tham nhũng của cấp dưới cũng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng.
Bốn là, phát huy vai trò tích cực của
nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng.
Để phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong đấu tranh chống
tham nhũng, rất nhiều nước quy định rõ trách nhiệm của mỗi người dân, của các tổ
chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phòng, chống tham
nhũng. Một số nước thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm
nói chung và tham nhũng nói riêng (Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Xin-ga-po...). Thái
Lan, Xin-ga-po yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố
giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên …
Bác Hồ đã từng dạy rằng, làm việc gì cũng phải có quần chúng
nhân dân tham gia. Trong đấu tranh chống tham nhũng, nếu không dựa vào sự phát
hiện của nhân dân thì khó có thể “vạch mặt, chỉ tên” chính xác và kịp thời những
“tham quan ô lại” mới. Thật vậy, thực tế những năm qua cho thấy, đa số các vụ
tham nhũng bị đưa ra trước “vành móng ngựa” đều do người dân phát hiện ra. Nhân
dân là người làm ra mọi của cải xã hội, nhưng cuộc sống hiện tại còn đang gặp
nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên lại dùng chức quyền và công vụ được giao phó, lợi dụng những sơ hở trong
cơ chế, chính sách để đục khoét tài sản của Nhà nước, làm xói mòn bản chất của
Đảng, làm hoen ố bầu không khí trong đời sống xã hội. Sự đồng tình và ủng hộ của
nhân dân chính là sức mạnh và nhân tố quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi tham
nhũng. Để khơi dậy và phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, ngoài việc cần phải thực thi luật pháp nghiêm minh, phải
kiên quyết trừng trị những hành vi phạm pháp chống lại nhân dân, ngoài việc bản
thân những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những cán bộ giữ những trọng trách
cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải là những tấm gương mẫu mực
trong đạo đức, lối sống thì việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa dân chủ
trong nhân dân phải được coi trọng, được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc,
nghĩa là “phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói,
dám làm…”(5), như Bác Hồ từng dạy chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét