Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

 

Tình đồng chí

Tình đồng chí là tình cảm thiêng liêng, cao quý của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Đây không chỉ là tình cảm đơn thuần giữa người với người, mà hơn thế, nó hướng tới những giá trị tốt đẹp, với mục tiêu cao nhất là phục vụ lý tưởng của Đảng, lợi ích của đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động, đầy tình nghĩa về tình đồng chí, đồng đội, về sự sẻ chia đắng cay, ngọt bùi, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống thử thách, hiểm nghèo. Ta có thể thấy rõ điều này trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, được sáng tác vào năm 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Những câu thơ: "Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ", đã khắc họa đậm nét tình đồng chí.

Tình đồng chí còn là sợi dây thắt chặt sự đoàn kết, gắn bó giữa các đảng viên trong một tổ chức, đơn vị, rộng hơn là sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng ta. Tuy nhiên, hiện nay, ở không ít tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên, do nhiều nguyên nhân, tình đồng chí đã ít nhiều bị phai nhạt, biến dạng. Từ ý nghĩa thiêng liêng, cao quý ban đầu, vì mục đích cá nhân, không ít người đã sử dụng cách xưng hô “đồng chí” đầy ẩn ý, với ý nghĩa không trong sáng, mang nhiều cách hiểu khác nhau.

Ở không ít tổ chức đảng, trong quan hệ giữa những đảng viên, ít thấy sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau; thiếu sự gắn kết và tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung; thay vào đó là sự thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí ganh ghét, đố kỵ, hẹp hòi, nói xấu, kèn cựa địa vị, lợi ích, khiến nội bộ mất đoàn kết, vai trò và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng bị suy giảm; có không ít đảng viên, thể hiện sự quan tâm đến người đồng chí của mình một cách giả tạo, hình thức, không xuất phát từ cái tâm trong sáng, lòng nhân ái, bao dung của con người.

Trong sinh hoạt đảng, có nơi, có lúc lợi dụng danh xưng đồng chí để tụng ca, tung hô hay triệt hạ, “đánh hội đồng”, nhất là ở mỗi dịp quy hoạch, bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Chẳng hạn, nếu cần “chiến đấu”, họ sẵn sàng nói xấu, vu họa, hạ thấp uy tín “đối thủ”. Khi cần lấy lòng, nhất là với người lãnh đạo, đứng đầu, họ lại dùng những từ hoa mĩ để ca ngợi, nịnh nọt đồng chí mình. Khi không thấy lợi ích gì, ngại va chạm thì họ sử dụng chiêu bài “im lặng” là vàng, phụ họa, “gió chiều nào che chiều ấy” để tránh vạ lây, mất lòng người khác... Điều đáng nói là, nhiều đảng viên tốt, người tốt không được bảo vệ, động viên, khích lệ; trong khi đó, nhiều người xấu, giỏi nịnh nọt, biết cách lấy lòng sếp lại được cất nhắc bổ nhiệm.

Có thể nói, việc lợi dụng tình đồng chí, danh xưng đồng chí vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tiêu cực vô cùng phong phú, đa dạng, với vô vàn biểu hiện, nhiều lúc rất tinh vi, khó đoán định. Lâu dần, nó làm suy giảm ý nghĩa thiêng liêng và giá trị tốt đẹp ban đầu vốn có cũng như sự nâng niu, trân trọng, giữ gìn, vun đắp tình đồng chí của nhiều thế hệ đảng viên chân chính.

Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”(1). Theo Người, “nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa với nhau thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được”(2). Bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngoài tính khoa học, cách mạng còn hàm chứa tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Thực hiện lời căn dặn của Người, nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần tự soi, tự sửa, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác về tình đồng chí yêu thương lẫn nhau.

Tình đồng chí phải trở về với những giá trị đích thực của nó; được thể hiện bằng cái tâm trong sáng và thực sự bắt nguồn từ tình yêu thương con người; ở đó, người cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sống trung thực, nghĩa tình, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và lợi ích nhóm tiêu cực. Có như vậy, giá trị của danh xưng đồng chí mới thật sự có ý nghĩa, để mỗi khi nhắc đến mỗi chúng ta đều cảm thấy trân trọng, vinh dự, tự hào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét