Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

“TRIỆU NGƯỜI ƯU TÚ HY SINH ĐỂ ĐẤT NƯỚC NỞ HOA ĐỘC LẬP, KẾT TRÁI TỰ DO”


Trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc, hàng triệu người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh.
Tròn 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), các Bộ Quốc phòng, Công an, LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
Lễ kỷ niệm có sự tham dự của 450 người có công tiêu biểu trên toàn quốc, trong đó có 75 đại biểu đã dự gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Cả nước đến nay đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh, bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…
Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH thông tin, 5 năm qua, với tinh thần “không để người có công nào không được tri ân”, các cơ quan đã rà soát trên 7000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận được trên 2400 liệt sĩ, 2700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây trên 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm.
Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay đã được tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng ngay từ cơ sở như tổ chức lễ trao Bằng tổ quốc ghi công, lễ kỷ niệm và tri ân người có công, lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng như nhà tù, nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Quảng Trị,...các căn cứ địa cách mạng, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách,...
Tri ân người có công - "mệnh lệnh từ trái tim"
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, hàng triệu người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh và mang thương tật suốt đời, máu đào và sự cống hiến cao cả của các thương binh, bệnh binh để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại trên khắp mọi miền đất nước, "những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình những liệt sĩ", những đau thương mất mát của chiến tranh giúp hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình.
Chủ tịch nước cho biết, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh “cơn bão” Covid-19 vừa đi qua còn để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội nhưng cả dân tộc Việt Nam đã vượt qua dịch bệnh kiên cường.
Qua cuộc chiến này, nhiều tấm gương quân dân đã bật lên, về tinh thần của những người lính trong thời bình, trong đó có những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Đó là những tấm gương vượt lên thương tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Chủ tịch nước điểm lại nhiều tấm gương cán bộ, cựu chiến binh trong các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách vượt khó khăn để sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi dạy con cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chủ động mở rộng phong trào thi đua ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh, đó là những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng, ghi nhận, khâm phục.
Đạo lý tốt đẹp truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, 75 năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với đất nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất; tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, mối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý căn dặn trong di chúc: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ nơi ăn, chỗ ở yên ổn, đồng thời mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ dần dần tự lực cách sinh…".
Chủ tịch nước hoan nghênh, đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ trực làm công tác LĐ-TB&XH qua các thời kỳ đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; đã sôi nổi tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc thương người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, những bù đắp với các thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng không bao giờ bằng được những gì các bác, các anh chị đã cống hiến cho nhân dân và cho đất nước. Vì thế, cả hệ thống cần cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa tích cực, có ý nghĩa hơn nữa tri ân những người có công.
Để phát huy kết quả đạt được và triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất hơn nữa, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công; coi công tác này là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực hiện tốt chính sách với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đồng thời cần dành sự chú tâm cao hơn, chăm lo cho người có công với cách mạng, người khó khăn, người già cô đơn không nơi lương tựa…
ST
Có thể là hình ảnh về ngoài trời
Tôi Yêu Việt Nam và 118 người khác
3 bình luận
15 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét