Tư tưởng ngoại giao Hồ
Chí Minh bao hàm những nguyên lý, nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ
thuật ngoại giao. Người đề cao các quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống
nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. Người nhấn mạnh ngoại
giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”; độc lập tự chủ, tự lực
tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó Việt Nam sẵn
sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Người hết sức coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có
chung biên giới; mở rộng bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới;
xử lý tốt quan hệ với các nước lớn để phục vụ lợi ích cách mạng.
Trong phương pháp, Người
xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách
mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Người luôn đặt
Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, coi trọng các trung tâm quyền lực, các
trào lưu lớn. Người đặc biệt đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không
thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, giữ vững tính nguyên tắc, kiên
định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của
sách lược cách mạng. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện truyền
thống yêu hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng các phương
cách hoà bình.
Nét nổi bật trong nghệ
thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết
mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), là khả năng tạo dựng
thời cơ và chớp thời cơ, là ngoại giao tâm công giúp thu phục lòng người bằng
chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Những thành tựu của đối ngoại Việt
Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc
ta đã thể hiện rõ nét sự tài tình của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các nghệ
thuật ngoại giao để đưa cách mạng đến thành công.
Thực tiễn đã chứng minh
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là nền tảng sức mạnh và là
chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng qua
các giai đoạn cách mạng. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao của
Người trong tình hình mới, đối ngoại Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu
quan trọng, góp phần duy trì môi trường hoà bình, thu hút các nguồn lực cho phát
triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế
quốc tế của nước ta.
Bên thềm thập niên thứ ba
của thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó
lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đại dịch
Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện
quốc tế, tác động trực tiếp tới môi trường an ninh và phát triển của nước ta.
Chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để đặt Việt
Nam vào đúng “dòng chảy của thời đại”, tạo sức mạnh to lớn đưa cách mạng Việt
Nam tới những thắng lợi mới.
Theo đó, ngoại giao Việt
Nam cần phát huy tốt vai trò là “một mặt trận” tiên phong nhằm củng cố vững
chắc môi trường quốc tế thuận lợi và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển
và nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa
nguy. Chúng ta cần vận dụng tốt nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cần
kiên định mục tiêu bất biến là lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc với
nội hàm là hoà bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao sức mạnh
và vị thế của quốc gia; đồng thời, linh hoạt, khéo léo trong sách lược, hành
động để xử lý cái "vạn biến" của tình hình. Trước những phức tạp ở
Biển Đông, chúng ta kiên trì sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết tranh
chấp, đồng thời "kiên quyết bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn
vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” như lời Bác căn dặn.
Trong tình hình mới, cán
bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng như lời Bác dặn: "chỉ có
qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại
giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước". Cán bộ đối ngoại cần vừa
"hồng", vừa "chuyên" để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam
hiện đại trong thời kỳ mới. Đặc biệt, cần thực hiện lời căn dặn của Bác: “phải
luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi
ích đó được đảm bảo". Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh,
ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết lên những thành công mới, đóng góp xứng
đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta sánh vai cùng các
cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét