Ở khu vực Đông Nam Á, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được thúc đẩy đi vào chiều sâu, thể hiện ASEAN tiếp tục là khu vực phát triển năng động, ngày càng phát huy vai trò trung tâm trong thúc đẩy liên kết khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các nước lớn với một số nước ASEAN, buộc các nước phải chú trọng nhiều hơn đến quốc phòng. Bên cạnh đó, trình độ phát triển không đồng đều, sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, thậm chí vấn đề ý thức hệ vẫn còn nặng nề trong một số nước thành viên ASEAN. Sự can dự của các nước lớn cùng với tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc riêng rẽ của một số nước cản trở lập trường chung của ASEAN trong giải quyết những vấn đề phức tạp, gây khó khăn trong lựa chọn đối sách, xử lý quan hệ với các nước lớn. Do vậy, các nước lớn lợi dụng và thực thi chính sách chia rẽ, ngoại giao trên thế mạnh, chi phối, làm suy giảm vai trò của ASEAN.
Việt Nam là thành viên đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và nhiều tổ chức khu vực khác. Trong nhìn nhận của các nước lớn - như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu - Việt Nam là một trong những nước có ảnh hưởng mang tính “dẫn dắt” trong ASEAN. Do đó, trong chính sách của các nước, nhất là các nước lớn đối với khu vực, Việt Nam có vị trí tương đối quan trọng, được các nước coi là một đối tác cần tăng cường, là nhân tố góp phần kết nối quan hệ của các nước với ASEAN(6). Với nhận thức của các nước về vai trò của Việt Nam nêu trên là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy vị thế, lựa chọn những kế sách phù hợp trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tóm lại, tình hình thế giới và khu vực hiện nay và dự báo trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI có những biến đổi phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Tình hình trên tiếp tục tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi mới, vừa mang đến những khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, đòi hỏi cần phải luôn theo dõi, bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng bối cảnh quốc tế. Đặc biệt, phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn, đối với khu vực và Việt Nam để đề ra đường lối, chính sách, sách lược kịp thời, trong đó phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng cần tìm phương cách để tránh rơi vào thế kẹt giữa các bên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét