Trong thời gian gần đây, vai trò, sức mạnh và ảnh hưởng của châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng tăng lên khi các nền kinh tế trong khu vực có sự phục hồi và phát triển tích cực mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19. Theo nhận định của Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Ph. Béc-xten, trong nền kinh tế toàn cầu, vai trò của khu vực châu Á đã được tăng cường trong 20 năm qua và tiếp tục được củng cố trong hai thập niên tới(3). Trong tương lai, với các đặc điểm như số lượng lao động và nhu cầu thị trường lớn với những quốc gia là thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở Trung Quốc, khu vực Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý của các nước tư bản phát triển như Mỹ, Nhật Bản..., cơ hội tập hợp của các nền kinh tế này sẽ giúp mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với sức hút đặc biệt về kinh tế, ảnh hưởng trên lĩnh vực an ninh - chính trị của khu vực đến an ninh quốc tế cũng ngày càng tăng. Châu Á - Thái Bình Dương tập trung 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là nơi hiện diện và tập trung nhiều lợi ích và ưu tiên chiến lược của tất cả các nước lớn trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và đóng vai trò ngày càng lớn đối với các vấn đề chính trị toàn cầu(4). Tại khu vực đã xuất hiện một số sáng kiến liên kết và thỏa thuận đa phương không chỉ có nội dung kinh tế - thương mại mà còn mang ý nghĩa tập hợp lực lượng về chính trị, chiến lược và an ninh(5); các diễn đàn hợp tác, như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) có xu hướng mở rộng nội dung hợp tác sang các vấn đề an ninh, chính trị... Sự hiện diện của nhiều nước lớn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong và ngoài khu vực phát triển mạnh mẽ, hình thành các liên kết song phương và đa phương, góp phần duy trì xu thế hòa bình, kiềm chế xung đột, ngăn ngừa chiến tranh.
Tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng linh hoạt, chịu tác động lớn bởi sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc và những chuyển động trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Hợp tác đi cùng với va chạm lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa hai nước đã và đang diễn ra một cách phức tạp, toàn diện ở khu vực. Kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên nắm quyền (tháng 1-2017) đến nay, Mỹ công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ. Trên cơ sở đó, Mỹ triển khai nhiều nội dung, biện pháp chiến lược để cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực với Trung Quốc, đặt khu vực trước những cơ hội và thách thức an ninh mới. Chiều hướng này còn tiếp tục trong thời gian tới và tác động không nhỏ tới chính sách và an ninh của các nước.
Mặc dù hòa bình, ổn định vẫn là xu thế chủ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương, song tình hình khu vực cũng có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó, mặc dù quan hệ kinh tế ngày càng phát triển và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng nhưng quan hệ chính trị giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là các cường quốc, vẫn chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn định và những mâu thuẫn có thể bùng phát thành xung đột, đó là: 1- Các tranh chấp biên giới - lãnh thổ tại khu vực, nhất là tranh chấp biển, đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông, trở nên phức tạp hơn, trở thành nguy cơ gây mất ổn định khu vực, ảnh hưởng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, đe dọa lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; 2- Tình hình nội trị nhiều nước diễn biến phức tạp, nhân tố chủ nghĩa dân tộc nổi lên tác động đến quyết sách đối nội và đối ngoại của nhiều nước; 3- Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên gay gắt hơn trong khi khu vực vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để đối phó với các nguy cơ này; 4- Khu vực xuất hiện nhiều cấu trúc hợp tác quốc phòng, nhưng thiếu một cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa và xử lý các thách thức an ninh, tranh chấp, xung đột.
Việt Nam là cầu nối giữa vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa ở châu Á. Biển Đông là nơi cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên tuyến vận tải quốc tế; có vị trí quan trọng trong chiến lược của các nước lớn. Do vậy, các nước lớn muốn lôi kéo Việt Nam trong thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những chuyển động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ và tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn như tình hình Biển Đông đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức, tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn, đòi hỏi phải đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Việt Nam với gần 100 triệu dân, có kinh nghiệm, truyền thống lịch sử, có sức mạnh, vị thế trên trường quốc tế, luôn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, nhưng cũng chịu sức ép rất lớn từ các thách thức trong khu vực và trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét