Lợi dụng việc lãnh đạo một số địa phương và một số tập đoàn bất động sản có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội đã đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Từ đó, chúng tạo cớ công kích vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi thay đổi những nguyên tắc cơ bản trong quản lý đất đai.
Thời gian gần đây, lợi dụng những vi phạm, bất cập liên quan
đến lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc một số cựu quan chức các địa phương và
lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực bất động sản bị xử lý hình sự
do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất, các đối tượng xấu đã ra sức xuyên
tạc, tuyên truyền những luận điệu sai trái về chính sách đất đai của Việt Nam.
Chúng cho rằng câu khẩu hiệu “người cày có ruộng” được đưa ra trong thời kỳ
cách mạng chỉ là “khẩu hiệu mị dân”. Chúng quy chụp những sai phạm trong quản
lý đất đai là do Luật Đất đai gây ra. Từ đó, chúng đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng,
cho đất nước; chúng đòi thay đổi nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai, đòi
thay đổi thể chế, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng... Đây là những luận điệu
sai trái nhằm kích động mâu thuẫn, bất ổn trong nước; tác động hướng lái, làm
chệch định hướng cách mạng của nước ta.
Đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện
chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều 53 Hiến pháp quy định: “Đất đai, tài
nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài
nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản
công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản
lý”. Tại Điều 4 Luật Đất đai, nội dung này cũng được ghi nhận một cách rõ ràng:
“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản
lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật
này”.
Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại
diện chủ sở hữu là phù hợp với tiến trình lịch sử, tình hình thực tế cũng như định
hướng phát triển của nước ta.
Trước hết, xét về mặt bản chất Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Khoản 2 Điều 2 Hiến
pháp khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ;
tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai
cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Để có được lãnh thổ
hiện nay, biết bao thế hệ người Việt đã hy sinh tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí
là cả mạng sống. Vì vậy, đất đai phải thuộc sở hữu chung của toàn dân, phục vụ
việc phát triển của cộng đồng. Trong đó, Nhà nước được xác định là đại diện chủ
sở hữu, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, quản lý và điều tiết các quan hệ đất đai
nhằm bảo đảm sự bình đẳng của người dân, việc thừa hưởng các quyền cũng như thực
hiện các nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Xét về tầm quan trọng của đất đai đối với đất nước, đây là
tài nguyên đặc biệt của quốc gia và đồng thời cũng là nguồn lực quan trọng phát
triển đất nước. Vì vậy, đất đai phải được Nhà nước thống nhất quản lý chặt chẽ
theo quy định của pháp luật. Với tư cách đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước
quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử
dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi
đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho
người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền
và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân,
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của
đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, Quốc hội ban hành
luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc
gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong
phạm vi cả nước. Đây là những cơ sở quan trọng để đất đai được sử dụng đúng mục
đích, đúng quy hoạch, phát huy tối đa lợi ích, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Xét về định hướng phát triển đất nước, chúng ta đang tiến
hành xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết
“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Chúng ta cần
sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống
trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác,
chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”,
“chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do
nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số
giàu có”. Sở hữu toàn dân về đất đai là để tất cả mọi người được hưởng lợi ích
từ đất đai một cách công bằng, bình đẳng, tránh trường hợp bị thâu tóm, tập
trung vào một bộ phận thiểu số giàu có trong xã hội. Đồng thời, thông qua sở hữu
toàn dân về đất đai để bảo đảm sự phát triển bền vững, ngăn chặn tình trạng sử
dụng đất đai không đúng mục đích, chiếm đoạt tài nguyên, hủy hoại môi trường…
Trong báo cáo tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Ủy ban Dân
tộc, có thể thấy Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm hỗ trợ đất đai cho bà con đồng
bào dân tộc thiểu số để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong giai đoạn từ
2003-2016, cả nước đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ và đất sản xuất cho 107.827 hộ.
Đây là minh chứng cho thấy sự công bằng trong thừa hưởng các lợi ích từ đất đai
ở Việt Nam.
Hiện nay, công tác quản lý đất đai ở nước ta có những hạn chế,
bất cập; chính sách, pháp luật về đất đai còn chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh
hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng,
tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Tuy nhiên,
không chỉ riêng Việt Nam mà ở tất cả quốc gia trên thế giới, trong quá trình
phát triển, bên cạnh những mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực,
thách thức cần được giải quyết. Bởi vậy, việc thổi phồng các sai phạm, đổ lỗi
cho chế độ nhằm chống phá đất nước như những gì các đối tượng xấu đang thực hiện
là hành động cần lên án, đấu tranh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét