Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

LẠC ĐIỆU

Ngày 11-10-2022, cái tên Việt Nam lại được xướng lên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khi chúng ta là 1 trong 14 quốc gia trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả này cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Tiếng nói của công lý đã vang lên đúng người, đúng việc. Tuy nhiên, vẫn có những âm thanh hậm hực, lạc lõng có phần yếu ớt ở hải ngoại để phản đối sự việc nêu trên.

Nhiều cá nhân, tổ chức có cái nhìn thiếu thiện chí, thậm chí chống đối Việt Nam đã nhanh chóng xuyên tạc, phủ nhận kết quả bầu cử bất chấp sự tín nhiệm của đa số các quốc gia trong LHQ dành cho chúng ta. Trên các trang facebook của Việt Tân, BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA… ngoài những giọng điệu cho rằng Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để ứng cử và trúng cử vào cơ quan nhân quyền, chúng còn cho rằng nội bộ của Hội đồng Nhân quyền có vấn đề khi để lọt Việt Nam vào. Thậm chí chúng còn xuyên tạc kết quả của cuộc bầu cử này không trong sáng. Đây rõ ràng là hành động “ăn không được thì đạp đổ”. Còn nhớ, trước khi bầu cử chúng tổ chức họp báo xuyên tạc, nói xấu, gửi bản tố cáo về nhân quyền tại Việt Nam đến tất cả các nước tham gia bầu cử nhằm mục đích không bầu cho chúng ta. Khi Việt Nam vẫn trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền thì chúng quay ra nói tổ chức này có vấn đề. Thật đúng là “lưỡi không xương” của những kẻ tráo trở.

Sự lựa chọn của các quốc gia về bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2023-2025 là khách quan, không thể can thiệp. Kết quả đó thể hiện lập trường, quan điểm của mỗi quốc gia về lựa chọn thành viên xứng đáng nhất. Và Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia nằm trong Hội đồng Nhân quyền được lựa chọn do sự nỗ lực, cố gắng về bảo đảm quyền con người. Những kẻ cố tình không thừa nhận kết quả đó càng chứng tỏ bản chất chống đối điên cuồng, núp bóng dân chủ, nhân quyền của chúng. Việt Nam là nước duy nhất nằm trong khu vực Đông Nam Á được ASEAN tin tưởng, đề cử; là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á nằm trong khối Cộng đồng Pháp ngữ tham gia ứng cử. Lần thứ hai Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền với nhiều khó khăn như: Việt Nam là nước tham gia ứng cử muộn nhất; số lượng nước tham gia quá đông, cạnh tranh quyết liệt (trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có đến 7 nước ứng cử và chỉ có 4 ghế). Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Việt Nam vẫn giành chiến thắng.

Nói xấu, xuyên tạc mãi cũng không có tác dụng, chúng chuyển qua dạng thỏa hiệp. Chúng nhắc khéo Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ thì cần cư xử cho đúng. Hãy thả tất cả tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến, nhà báo tự do ngay lập tức. Thậm chí chúng nhấn mạnh về quyền trẻ em, quyền được đi học của trẻ em khi vịn cớ tình trạng lạm thu ở một số trường học hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025. Đây là kết quả phản ánh một cách khách quan nhất và cũng nói lên uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Kết quả đó càng khẳng định vững chắc Việt Nam đã có bước tiến dài trên chặng đường thúc đẩy, bảo đảm quyền của người dân trên mọi mặt đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua Báo cáo phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021-2022 vừa được LHQ công bố ngày 9-9-2022. Theo báo cáo, giá trị chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng 2 bậc. Cũng cần phải nói thêm rằng trong 2 năm đại dịch Covid-19, chỉ số HDI giảm trên toàn cầu. Nhưng chỉ số HDI của Việt Nam tăng, điều đó cho thấy bước tiến lớn của chúng ta trong đảm bảo quyền con người trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Tháng 2-1990, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (CRC) của LHQ. Điều đó thể hiện sự quan tâm, nỗ lực cải thiện cuộc sống cho trẻ em. Sau hơn 32 năm phê chuẩn công ước, công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng hoàn thiện. Năm 2016, Việt Nam đã ban hành Luật Trẻ em. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Việt Nam. Luật đã góp phần là tiếng nói quan trọng để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Luật cũng quy định ưu tiên phòng, chống bạo lực, xâm hại mua bán, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em…

Trong phiên họp lần thứ 91, Ủy ban Quyền trẻ em của LHQ diễn ra tháng 9-2022 tại Thụy Sĩ, Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với ủy ban này theo quy định của CRC về các nước là thành viên tham gia. Tại đối thoại, Việt Nam đã thông qua báo cáo định kỳ lần thứ 5 và 6 theo quy định của Công ước LHQ về quyền trẻ em đối với quốc gia thành viên công ước. Các thành viên của Ủy ban Quyền trẻ em đã bày tỏ sự nhất trí cao đối với những thách thức và thành tựu Việt Nam đã đạt trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước LHQ.

Theo Công ước LHQ về quyền trẻ em có thể phân thành 4 nhóm quyền, gồm: quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm 4 nhóm quyền này. Những quyền, nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ về quyền trẻ em vẫn còn nguyên giá trị thực tế đối với Việt Nam. Những nguyên tắc đó Việt Nam vẫn nghiêm túc thực hiện, bảo đảm dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Điều này được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền trẻ em, do là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội nên trên một số mặt còn gặp khó khăn, bất cập. Những vấn đề đó chính quyền các cấp, ngành đều nhìn nhận đúng thực trạng và đang có những bước điều chỉnh phù hợp nhằm phát huy tối đa việc thực hiện CRC mà Việt Nam tham gia.

Sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá bằng lá phiếu của các nước tham gia bầu cử. Đó là sự thật khách quan, minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền của LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025, đó là sự thật hiển nhiên được cả thế giới công nhận. Chỉ có những kẻ với bản chất mưu mô, xảo quyệt, luôn tìm mọi cách chống phá Việt Nam mới không dám đối diện với sự thật đó./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét