Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

CHIÊU TRÒ CẮT GHÉP

Ngày 27-9 vừa qua, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam tới chào xã giao và bàn các vấn đề hợp tác giữa Pháp với TP. Hà Nội. Trên các trang báo chính thống đều hiện diện hình ảnh vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng Đại sứ Pháp rạng rỡ, thân thiện bắt tay nhau theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế và cùng hướng về ống kính của các phóng viên. Thế nhưng, ngay sau cuộc gặp mặt, trên các trang mạng chống cộng và các tài khoản blog, facebook của các phần tử chống phá trong nước, hình ảnh 2 vị chính khách nêu trên đã bị chỉnh sửa, kèm theo những lời bình phẩm bất nhã.

Trên trang blog TỄU của kẻ chống phá đội lốt “nhà dân chủ” Nguyễn Xuân Diện có bài viết: “Chủ tịch Hà Nội tiếp Đại sứ thì dùng lễ nghi ra sao?”. Ngay dưới tít bài viết là một câu chú giải rất khiếm nhã: “Bí thư, Chủ tịch Hà Nội chỉ là cửa dưới”. Sau khi ba hoa về kiến thức ngoại giao, rằng trong phép tắc ngoại giao thì ai là “cửa trên”, ai là “cửa dưới” và đăng liên tiếp 4 bức hình đã chỉnh sửa một cách vụng về, Nguyễn Xuân Diện bình phẩm: Ông Trần Sỹ Thanh chỉ là quan chức cấp tỉnh. Chưa kinh qua các cuộc đón tiếp ngoại giao quốc tế nên đã có phong thái và dung mạo khiến người ta nghĩ ông là cửa trên của Đại sứ. Ông cần rút kinh nghiệm. Khi bắt tay, ông đã để lộ ra 2 chi tiết thiếu tinh tế và vi phạm nguyên tắc ngoại giao. Đó là khi ngài Đại sứ nhìn vào ông thì ông Thanh lại nhìn đi chỗ khác. Và ông đút tay vào túi quần khi đang bắt tay ngài Đại sứ…

Như đã nói ngay đầu bài, hình ảnh 2 vị chính khách đăng trên các báo chính thống là những tấm ảnh rất đẹp, thể hiện rõ sự thân ái, nồng hậu của cả 2 bên và rất đúng với nghi thức ngoại giao quốc tế. Nhưng khi xuất hiện trên các trang mạng chống cộng như Việt Tân hay blog của kẻ chống phá Nguyễn Xuân Diện thì tấm hình đã bị chỉnh sửa qua photoshop. Theo đó, trong quá trình bắt tay với Đại sứ quán Pháp, ông Trần Sỹ Thanh luôn bỏ tay trái vào túi quần. Đáng nói là việc làm lừa bịp của những kẻ chống phá được thực hiện một cách cẩu thả, chỉ cần nhìn các tấm hình, đến một đứa trẻ cũng thấy rõ sự chỉnh sửa quá vụng về. Thế nhưng vẫn có những người giả đui, giả điếc, hùa theo kẻ chống phá để nhạo báng và bình luận rất phản cảm. Chưa hết, Nguyễn Xuân Diện còn nhạo báng rằng: Phu nhân Chủ tịch cần gọi thợ khâu bịt các túi quần các bộ vest của ông nhà để ông Thanh sẽ không còn thói quen đút tay vào túi quần trong các nghi lễ long trọng nữa!

Chiêu trò cắt ghép hình ảnh, đưa tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là chuyện rất xưa, nhưng vẫn dụ được không ít người tò mò và thiếu ý thức trong cộng đồng mạng xã hội. Năm 2019, khi Đảng, Nhà nước tổ chức đám tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trên kênh YouTube của các thế lực thù địch đã đăng tải đoạn video với tựa đề “9 đại tướng quân khu phản đối làm quốc tang cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh”. Chúng sử dụng hình ảnh 9 cán bộ, sĩ quan thuộc Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi ký kết chương trình triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 trên trang tin điện tử của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi để làm hình nền cho đoạn video xuyên tạc. Người bình thường, chỉ nhìn qua cũng biết trong ảnh chẳng có ai đeo hàm đại tướng và cũng chẳng có quân khu nào có 9 đại tướng cả. Thế nhưng vẫn có kẻ nhào vô chia sẻ với lời bình khiếm nhã.

Trong lúc Việt Nam tập trung chống dịch Covid-19, khi lực lượng quân đội cùng cả nước tăng cường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì trang Việt Tân bịa đặt thông tin, cắt ghép hình ảnh để vu khống quân đội trấn áp người dân. Chúng tìm mọi cách chia rẽ quan hệ quân đội với nhân dân, kích động người dân gây áp lực với lực lượng quân đội tăng cường và chính quyền địa phương… Thế nhưng chính những đoạn video, hình ảnh do người dân TP. Hồ Chí Minh tự thực hiện và đăng tải trên mạng xã hội về sự giúp đỡ tận tình của các chiến sĩ đã bóc phốt những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của Việt Tân cùng các thế lực thù địch. Vì thế, cuối tháng 8-2021, chính kênh YouTube của Việt Tân đã phải thừa nhận rằng: “Chưa thấy quân đội bắn hay đánh ai. Trong video của dân chúng ghi lại thấy mấy cậu lính trẻ lếch thếch chạy giao các gói thức ăn cho dân phố nào đó. Dẫu sao đó là chuyện đáng nhớ và vui trong lòng. Họ đến cũng có ý nghĩa rất rõ…”.

Cũng về công tác chống dịch, trong buổi kiểm tra tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh có trao đổi thêm về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc với thông tin “hơn 1.000 ca tử vong”. Tuy nhiên, đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ngay sau đó đã bị cắt bớt thông tin nói về dịch bệnh ở Trung Quốc khiến nhiều người hiểu sai và hoang mang về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Và chính sự hoang mang, chia sẻ thông tin của người dân đã khiến những kẻ chống phá hả hê vì đạt được mục đích. Rồi khi người lao động từ TP. Hồ Chí Minh ùn ùn trở về quê vì dịch bệnh, những kẻ chống phá đăng thông tin: “Theo Công an tỉnh, việc lập biên bản xử lý người dân từ phía Nam trở về Ninh Thuận là đúng quy định pháp luật. Công an tỉnh sẽ hướng dẫn người nghèo, khó khăn làm đơn xin gia hạn nộp phạt hoặc giảm, miễn”. Nếu chỉ đọc những thông tin này mà không đọc toàn bộ bài viết thì rất dễ bị hiểu lầm là Công an tỉnh Ninh Thuận xử phạt tất cả người dân trở về từ vùng dịch. Đây là thủ đoạn vô cùng thâm hiểm nhằm tạo làn sóng bức xúc trong nhân dân. Qua đó, chúng hô hào, kích động người dân phản kháng lại các quy định về phòng, chống dịch của các cấp chính quyền.

Chiêu trò cắt ghép hình ảnh và cố tình xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ và lực lượng công an, quân đội… không có gì lạ. Lạ là vẫn có những người a dua theo luận điệu xuyên tạc của chúng và chia sẻ những thông tin sai sự thật mà không biết rằng, mình đang tiếp tay cho những kẻ chống phá đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét