Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp, tác động đến hòa bình, ổn định và quan hệ quốc tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

 Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến các nước lớn có sự cạnh tranh chiến lược gay gắt, phức tạp, đặc biệt cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc diễn ra một cách trực tiếp, toàn diện. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, gia tăng sức mạnh quân sự, tiếp tục can dự, chi phối an ninh, chính trị thế giới, khu vực và các nước khác. Các nước lớn kết hợp răn đe quân sự với các biện pháp kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao, tạo “sức mạnh mềm”, sẵn sàng can thiệp vũ trang, tấn công các nước nhỏ bằng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang, buộc các nước phải khuất phục, thay đổi chế độ chính trị... Vai trò của luật pháp quốc tế, thể chế quốc tế tăng lên, nhưng một số nước lớn vẫn đang tìm cách thay đổi “luật chơi” trong quan hệ quốc tế. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, môi trường chiến lược diễn biến ngày càng phức tạp, thúc đẩy chạy đua vũ trang. Do yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là để vượt qua khủng hoảng bởi tác động của đại dịch COVID-19, các nước đẩy nhanh tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường và gia tăng thách thức đối với phát triển bền vững. Sự khan hiếm tài nguyên thúc đẩy các nước lớn tiến hành chính sách “ngoại giao tài nguyên” một cách mạnh mẽ hơn. Cuộc chạy đua về kiểm soát tài nguyên giữa các cường quốc khiến cho môi trường an ninh, chính trị quốc tế thêm căng thẳng.

Không chỉ vậy, nhằm tạo dựng các trục hợp tác bao vây, kiềm chế Trung Quốc, Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn quá trình tập hợp lực lượng ở khu vực; tìm cách lôi kéo các đối tác khác trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh lôi cuốn các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, lợi ích của mình; ngăn chặn, phá thế bao vây, kiềm chế của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Điều này tạo nên áp lực không nhỏ đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam trước việc “chọn bên”. Các nước lớn có thể sẽ sử dụng vai trò, ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế để gây sức ép đối với các nước trong khu vực, nhất là trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà những nước này đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt, không loại trừ các nước lớn thỏa hiệp với nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét