Dự báo đến năm 2030, tình hình thế giới, khu vực có thể tiếp diễn các xu thế lớn của những năm qua, nhưng phạm vi, quy mô, mức độ và tính chất có những biểu hiện khác trước. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, song hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Đấu tranh giai cấp và quan hệ quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức mới. Thay vì sự phân hóa sâu sắc như trong thời kỳ Chiến trạnh lạnh, trong những năm tới, các quốc gia tham gia tiến trình hội nhập ngày càng đông đảo, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều các cấu trúc an ninh, hợp tác đa tầng nấc, theo cả trục dọc và trục ngang, cả ở quy mô tiểu khu vực, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, khiến sự tùy thuộc, ràng buộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Vì lợi ích địa - chính trị, địa - kinh tế, nhiều nước gác lại tranh chấp, đối đầu để cùng hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau nhằm chia sẻ lợi ích. Thậm chí, một số quốc gia có sự khác nhau về hệ tư tưởng, chế độ chính trị cũng bỏ qua những khác biệt này để không chỉ hợp tác mà còn sẵn sàng trở thành “đồng minh” tạm thời của nhau trong xu thế tập hợp lực lượng mới. Mặc dù các cường quốc tiếp tục đóng vai trò chính trong quan hệ quốc tế, các quốc gia nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia các vấn đề thế giới, khu vực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các yếu tố “công bằng”, “dân chủ” trở thành các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế đương đại; ngược lại, những chuẩn mực trong các mối quan hệ, hợp tác, hay các cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế vẫn sẽ do các cường quốc đóng vai trò quyết định. Mặt khác, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và sự phụ thuộc của các nước đang phát triển, nước nhỏ vào nước lớn có xu hướng gia tăng cũng làm cho tính phức tạp của thế giới đương đại đa dạng và khó đoán định.
Trước các xu hướng trên, Việt Nam vận dụng hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi(2). Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ mang lại đối với Việt Nam là không hề nhỏ, đòi hỏi cần có những đối sách phù hợp nhằm hạn chế những tác động này để không ngừng bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét