Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc


Thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và có thể làm tốt bất cứ vai trò quốc tế quan trọng nào. Việt Nam đã từng trúng cử và đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã hai lần trúng cử là Uỷ viên không thường trực chính thức của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020 - 2021). Kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hoà bình, phát triển và bảo đảm quyền con người. Hiện nay, Việt Nam là điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3. Việc Việt Nam quan tâm đến các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng đã tạo ấn tượng sâu đậm tới cộng đồng quốc tế về nỗ lực đóng góp nâng cao đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Không chỉ dư luận nhân dân trong nước ủng hộ, tự hào mà các cơ quan báo chí nước ngoài cũng đưa tin bài, thể hiện sự ủng hộ Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Báo Washington Times ngày 21/9/2022 đã đăng bài viết trong đó ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Bài viết cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hơn nữa, cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19 của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều kết quả. Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho một số quốc gia về điều kiện, cơ sở vật chất để phòng chống dịch. Bài viết tổng kết rằng, kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người.

Theo bà Caitlin Wiesen, Nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín cử là đại diện cho Khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Có thể thấy rằng, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là lời khẳng định đanh thép, đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng, các tổ chức phản động, thù địch ở trong và ngoài nước đang cố tình phủ nhận thành quả của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định cho ý chí, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng ta trong tình hình mới. Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hoà bình, đảm bảo quyền con người trong xã hội./.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét