Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt vấn đề dân tộc

Một là, cần có quyết tâm cao hơn nữa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”. Đồng thời, thực hiện tốt các nghị quyết, các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chính sách còn hiệu lực đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Trong đó, tập trung cao độ thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội khóa XIV.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, đồng thời mở rộng vốn ưu đãi đối với các chương trình, dự án, tạo sinh kế cho đồng bào. Đẩy mạnh việc đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác. Đổi mới chính sách tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng cho vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong đó, để phát huy tiềm năng lợi thế của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phù hợp với các vùng và phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán của các dân tộc.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ nhằm tạo sinh kế và công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng.

Ba là, tập trung ưu tiên nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng kiên cố, nhằm bảo đảm đến năm 2025 có “100% số xã có đường ôtô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bêtông hóa; 70% thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường lớp và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Trong đó, đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”(14). Phát triển hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai như lũ ống, lũ quét, khô hạn, nước biển dâng…

Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, năng lượng nhằm bảo đảm có 99% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm bảo đảm đến năm 2030, đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công nghệ thông tin để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của đồng bào.

Bốn là, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi; nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú và các trường dự bị đại học. Hỗ trợ về ăn, ở cho học sinh, sinh viên các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đổi mới phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên các dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tỷ lệ và chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào, nhất là tuyến cơ sở, đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ y tế; phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện cho đồng bào được khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương. Xây dựng và đẩy mạnh chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em nhằm nâng cao về thể chất, tầm vóc của thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với văn hóa và tập quán của các dân tộc ở từng vùng, từng địa phương. Quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể. Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm là, củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo quy định. Đồng thời, có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Đổi mới tổ chức bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, có cơ chế, chính sách biểu dương, tôn vinh những người có uy tín, già làng, trưởng bản có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc.

Sáu là, đẩy mạnh công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc và miền núi. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu, như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trên thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực để đầu tư cho các chương trình, dự án; chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi. Có cơ chế khuyến khích cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp nguồn lực cho phát triển toàn diện vùng dân tộc và miền núi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét