Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT


Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910 trong một gia đình công chức nhỏ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tham gia cách mạng từ sớm và hy sinh khi mới 31 tuổi, cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất để các thế hệ sau học tập, noi gương.
Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung
Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Đồng chí được được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.
Tháng 3-1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Hồng Kông - Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật...
Tháng 4-1931, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt, nhưng trước kẻ thù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, giữ bí mật đường dây liên lạc của Đảng. Năm 1933, đồng chí được trả tự do và sau đó đến Thượng Hải tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng, trở thành thành viên của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị tháng 6-1934 của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng với đại biểu các Đảng bộ ở trong nước, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các thành viên trong Ban Chỉ huy tích cực chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo các văn kiện trình đại hội, chuẩn bị chỗ ăn, ở cho đại biểu từ trong nước ra dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian đó, nhận được giấy triệu tập của Quốc tế Cộng sản về việc cử Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tổ chức ở Mátxcơva (Liên Xô), Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng đã quyết định cử các đồng chí: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn và 3 đại biểu nữa tham dự.
Trong lúc chờ dự đại hội, Nguyễn Thị Minh Khai đã vào học hệ ngắn hạn tại Đại học Phương Đông (tháng 1-1935). Ngày 25-7-1935, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản khai mạc. Ngày 16-8-1935, trên diễn đàn Đại hội VII, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã trình bày tham luận tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã thi hành chính sách tàn bạo, dã man đối với nhân dân Đông Dương, nhất là với phụ nữ; đồng thời, nêu bật vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 3-10-1935, tại Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có bài phát biểu quan trọng, trình bày khái quát tình hình thanh niên Đông Dương, tình cảnh của thanh niên công nhân, nông dân, trí thức; hoạt động của thanh niên và những nhiệm vụ trước mắt của Thanh niên Cộng sản đoàn Đông Dương…
Nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bất khuất
Cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử về nước hoạt động. Cuối năm 1937, đồng chí được Xứ ủy Nam kỳ chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và trở thành một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1938-1939 ở Sài Gòn. Đồng chí đã vận dụng linh hoạt những lý luận cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tiễn được tích lũy khi hoạt động ở nước ngoài để lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, Công ty Hỏa xa Sài Gòn, công nhân và phụ nữ Hóc Môn, Gia Định; bám cơ sở, mở nhiều lớp học bí mật để huấn luyện cho cán bộ ở thành phố và các lớp huấn luyện cho cán bộ nữ ở các tỉnh Nam Bộ... Thời gian này, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng, trong đó nêu rõ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề chống phản động thuộc địa, chống phong kiến và vận động phụ nữ tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương; là diễn giả của nhiều buổi mít tinh lớn ở các rạp hát trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh… Những hoạt động của đồng chí góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.
Ngày 30-7-1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Phủ Thống đốc Nam kỳ kết tội đồng chí “là kẻ chủ mưu trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có việc tổ chức chiến dịch chống quân phiệt, chuẩn bị phong trào khởi nghĩa vũ trang và phá hoại”.
Sau 6 tháng bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng không thể lay chuyển, khuất phục ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép của nữ chiến sĩ cộng sản, ngày 21-1-1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra xử án. Tại tòa, đồng chí đã đanh thép dùng lý lẽ để bác bỏ sự buộc tội của kẻ thù và dù không thể buộc tội, tòa án thực dân vẫn kết án đồng chí 5 năm tù khổ sai và 20 năm biệt xứ. Sau đó, ngày 11-3-1941, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã nâng án của đồng chí lên 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ, 20 năm mất quyền công dân. Ngày 3-4-1941, thực dân Pháp lại đưa đồng chí ra Tòa án binh Sài Gòn xử cùng với những chiến sĩ bị bắt trong khởi nghĩa Nam kỳ và kết án tử hình với tội danh “chịu trách nhiệm về mặt tinh thần”, xúi giục dân chúng làm rối loạn quốc gia và "mưu toan lật đổ chính phủ". Ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí lãnh tụ kiên trung của Đảng, như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần... tại Hóc Môn. Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh khi mới 31 tuổi, song lời dặn của đồng chí trước khi ra pháp trường vẫn khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước: "Vững chí bền gan ai hỡi ai/Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/Con đường cách mạng vẫn chông gai".
Tấm gương về lòng yêu nước, đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân; sự kiên trung, bất khuất, không nao núng - không khuất phục - không đầu hàng trước kẻ thù; ý chí cách mạng, khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai mãi ngời sáng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, nhân dân ta.
Báo Hà Nội mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét