Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã đạt nhiều kết quả tích cực:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35, từ Trung ương đến cấp huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo 35 và Tổ Thư ký, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo 35 ở các ban, bộ, ngành, địa phương đã từng bước được kiện toàn cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Nhờ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 được tiến hành đồng bộ, quyết liệt. Điều này đã được ghi nhận tại Đại hội XIII: “công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”(1). Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường thông tin dân chủ, kỷ cương, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm, triển khai với nhiều nội dung, hình thức ngày càng phong phú, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Trong thời gian qua, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã tập trung quán triệt, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác tham gia đấu tranh. 

Các cấp, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh hình thức đấu tranh trên không gian mạng. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân trong việc sử dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng “miễn nhiễm” các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội của người sử dụng. Nhờ đó, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự chống phá của các thế lực thù địch trên internet và mạng xã hội. Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”(2).

Ba là, vai trò của các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật được phát huy tốt. Hoạt động xuất bản, đăng tải các bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tiếp tục đi vào nền nếp. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; các chương trình Đối diện của Đài Truyền hình Việt Nam; bình luận phê phán Thuốc đắng của Báo Nhân Dân; Nhìn thẳng nói đúng của Đài Tiếng nói Việt Nam; các tuyến bài phản bác của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân... với cách chọn đề tài mang tính thời sự, đấu tranh trực diện đã có tác động mạnh mẽ, nâng cao sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những chiêu bài kích động, xuyên tạc, bịa đặt, chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch. Qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Bốn là, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các cơ quan chuyên trách đã chú trọng xây dựng, tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Trong đó, trước hết là lực lượng chuyên trách, để chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, lựa chọn phương thức phù hợp với từng loại thông tin sai trái, thù địch, Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35. Do vậy, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đồng bộ giữa các mặt hoạt động, gắn kết chặt chẽ hơn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

Sự tham gia của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, học viên, sinh viên vào hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch rõ nét hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm của các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học cũng thường xuyên tham gia viết bài cho các chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, được các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao. Đội ngũ chuyên gia, cán bộ nòng cốt hoạt động “đều tay” hơn. Chất lượng các bài viết được nâng cao, nhiều bài viết hướng vào giải quyết các vấn đề “nóng”, “nổi” được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, phản bác trực diện các quan điểm sai trái, thù địch.

Năm là, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương trong theo dõi, phát hiện, tham mưu xử lý các thông tin xấu độc ngày càng nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ. 

Việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trong công tác nghiên cứu, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học để luận giải các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, góp phần định hướng dư luận, đưa hệ tư tưởng, đường lối của Đảng thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành dòng chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. 

Hình thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đa dạng hóa, với một số mô hình có sức lan tỏa tốt. Công tác theo dõi, phát hiện, xử lý, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin sai trái, thù địch, phản động bước đầu có kết quả. Các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng độc hại.

Công tác này ngày càng được triển khai bài bản, đồng bộ, quyết liệt và đi vào chiều sâu. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. 

Tuy nhiên, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn những hạn chế. Một số cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này. Chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng tham gia, nhất là vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hình thức đấu tranh có lúc còn chưa phù hợp, thiếu chủ động và sắc bén. Nhiều cơ quan truyền thông đại chúng còn chưa tích cực tham gia trên mặt trận này. Hơn nữa, “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”(3).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét