Cộng đồng mạng đang “nóng” chuyện thí sinh Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Grand Vietnam 2022) phải gân cổ, gồng mình hét để giới thiệu bản thân trong phần trình diễn trang phục áo tắm.
Có nhiều thí sinh còn phải múa may quay
cuồng như người lên đồng. Khổ nhất là những cô gái mảnh dẻ, chất giọng “chuồn
chuồn kim”, phải cố hết sức hét lạc cả giọng. Phần trình diễn này bị dư luận,
truyền thông và cộng đồng mạng cho là quá lố, quá phản cảm...
Lỗi của thí sinh
chỉ một phần. Những cô gái mang vẻ đẹp mơn mởn của tuổi xuân thì phải làm theo
chỉ đạo, dàn dựng của nhà tổ chức. Trong bối cảnh “bội thực” các cuộc thi nhan
sắc, để thu hút sự chú ý cho từng sân chơi, nhà tổ chức phải nghĩ ra những tiết
mục, chương trình thực sự ấn tượng, mang sắc thái riêng. Và cách để Miss Grand
Vietnam 2022 gây chú ý là bắt thí sinh phải phùng má, trợn mắt hét lên thất
thanh...
Câu chuyện này
chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trò lố phản cảm đã và đang diễn ra trong thị
trường giải trí. Cũng dịp này, dư luận truyền thông và giới âm nhạc phải lắc
đầu ngán ngẩm bởi “hội chứng” nhạc chế trong nhiều game show truyền hình. Nhiều
người "câu view" theo cách chế lời giai điệu các ca khúc nổi tiếng
bằng những ngôn từ dung tục, hài nhảm, gây cười rẻ tiền. Trong thị trường giải
trí lâu nay, có hai cách để tạo dấu ấn, gây sự chú ý. Một là nổi tiếng! Hai là
tai tiếng! Nổi tiếng đòi hỏi phải có tài năng, tâm huyết cùng chiến lược truyền
thông, quảng bá bài bản. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, muốn nổi tiếng
phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được, và đó là con đường chân chính với
mục tiêu lấy chất lượng nghệ thuật và cống hiến làm đầu. Ngược lại, tai tiếng
thường là những trò lố, hành vi phản cảm, phản văn hóa. Tác hại của nó là vấy
bẩn tâm hồn, làm hoen ố môi trường văn hóa, đi ngược lại các giá trị
chân-thiện-mỹ.
Thưởng thức,
thẩm định văn hóa-nghệ thuật không thể định lượng bằng các công thức mà nó phụ
thuộc vào nhãn quan, cảm tính, trình độ thẩm mỹ và quan trọng nhất là thái độ
của công chúng. Các quy định, chế tài pháp luật dù có cố gắng, hoàn thiện đến
mấy cũng không thể can thiệp hết mọi ngóc ngách của đời sống giải trí. Và đây
chính là khe hở, lỗ hổng để những người có tư tưởng thực dụng lấy tai tiếng,
tạo scandal để gây sốc, "câu view".
Muốn hạn chế,
tiến tới đẩy lùi những trò lố, làm lành mạnh, trong sạch hóa môi trường giải
trí thì phải kết hợp giữa xây và chống. Xây nghĩa là tiếp thu, khuyến khích,
tạo môi trường cho các giá trị chân-thiện-mỹ sinh sôi, trở thành dòng chủ lưu
trong đời sống văn hóa-tinh thần của công chúng. Chống là phải tẩy chay, loại
bỏ những thứ lố lăng, phản cảm, phản văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường, sản
phẩm văn hóa, giải trí cũng là một thứ hàng hóa, chịu chi phối, điều tiết của
quy luật cung-cầu. Khi công chúng không có nhu cầu tiếp thu những thứ lố lăng,
phản cảm thì nguồn cung tất yếu bị triệt tiêu. Tẩy chay những sản phẩm kém chất
lượng, phản cảm là cách để công chúng làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa mà ở
đó, công chúng vừa là chủ thể vừa là đối tượng của chính môi trường ấy.
Xây dựng văn hóa
tẩy chay cho công chúng, vì thế là một việc vừa có tính cấp thiết vừa là yêu
cầu lâu dài, bền vững. Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đã đặt ra
những yêu cầu, giải pháp mang tính chiến lược cho vấn đề này. Một trong những
vấn đề mấu chốt là công tác giáo dục giá trị thẩm mỹ, đạo đức thẩm mỹ, bản lĩnh
thẩm mỹ... cho công chúng, mà lực lượng tiên phong chính là cán bộ, đảng viên,
công chức, giới trí thức, văn nghệ sĩ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét