Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

ĐÓ LUÔN LÀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN


Vẫn cứ là Phạm Trần vừa cay nghiệt vừa phản động, không chỉ bẻ cong sự thật mà còn xuyên tạc, bịa đặt về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (Hội nghị Trung ương 6) bằng những luận điệu phản động trong bài viết “Nhà nước pháp quyền của ai?” đăng trên trang Danlambao ngày 15/9/2022.
Trước hết, nói với Phạm Trần rằng, “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[1] là một nội dung quan trọng của Đại hội XIII. Thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được triển khai từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời như tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội khóa I để Quốc hội trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ, thông qua Hiến pháp… Việc triển khai xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân trên tinh thần dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực Nhà nước; tất cả vì lợi ích của nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong tác phẩm Dân vận. Đó là: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức lên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2].
Tiếp đó, trên hành trình xây dựng và phát triển, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994) đã khẳng định nội dung “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[3]. Từ đó, chủ trương “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” không chỉ được khẳng định tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) mà còn được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 9-10/9/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về các Đề án quan trọng; trong đó đánh giá Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Thực tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng cân nhắc kỹ lưỡng và triển khai. Đó là sự thật và cũng là yêu cầu của lịch sử, chứ không phải là “nhà nước này không do dân chọn mà vẫn bị đảng “nhét chữ vào miệng” như Phạm Trần quy chụp; đồng thời, cũng cho thấy nhận định “Nhà nước ở Việt Nam thời Cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là “của đảng, do đảng và vì đảng” của ông ta là không khách quan, là bôi đen sự thật, là sự dối trá.
Thứ hai, quá trình xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được thực thi và những kết quả đạt được trong 7 thập niên về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… của Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là minh chứng cho thấy nhận định của Phạm Trần “dân không bầu ra nhà nước này mà do đảng tự lập ra để cai trị độc tài” là phản động!
Ở Việt Nam, các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các khóa đều được tiến hành theo luật định; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín. Trong đó, những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn sẽ được giới thiệu vào danh sách ứng cử; được nhân dân/các cử tri tự mình lựa chọn, bỏ phiếu bầu và vì thế các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân không phải là “Đảng cử, dân bầu”. Sự thật này cho thấy nhận định của Phạm Trần rằng, “thực tế dân đã bị xử dụng làm quân múa rối cho trò ảo thuật chính trị do đảng tự chế như các cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân và Quốc hội” là bịa đặt, vu khống và chống Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn nữa, ở Việt Nam cũng không có “bao nhiêu vụ án chính trị, tôn giáo và lương tâm con người đã bị nhà nước vu khống, quy chụp để buộc tội bỏ tù oan trong mấy năm gần đây” như Phạm Trần dối trá; cũng không “giam giữ tù nhân lương tâm”, mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tù nhân lương tâm chỉ là sự đánh tráo khái niệm, là cách gọi của các thế lực thù địch (trong đó Phạm Trần) dành để gọi những kẻ đột lốt dân chủ, giả danh đấu tranh cho dân chủ (tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung 2017) để chống phá Đảng và Nhà nước. Đó là những người đã vi phạm pháp luật, bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù.
Thứ ba, những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 6 không phải là sự ngẫu hứng, thích là bàn, mà đó là những vấn đề, những nội dung quan trọng được xây dựng, triển khai nằm trong chương trình, kế hoạch tổng thể của toàn khóa. Những vấn đề quan trọng được bàn luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 6 liên quan đến sự ổn định và phát triển của quốc gia, nên những người có tâm địa đen tối như ông không thể hiểu và cũng đừng nên “càm ràm”.
Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương (Hội đồng) chắc ông đã đọc: “Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng. Hội đồng có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao hoặc do Hội đồng đề xuất được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp thuận; đồng thời kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác, để thực hiện tốt chức năng tư vấn của Hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao”, cho nên những công việc Hội đồng đã làm, đã tham mưu cho Đảng và sẽ trình ở Hội nghị Trung ương 6 là đương nhiên, là không thể bẻ cong.
Từ chức năng, nhiệm vụ này của Hội đồng, có thể thấy sự suy diễn ngớ ngẩn của Phạm Trần khi cho rằng “toàn bộ kế hoạch và chính sách điều hành của đảng và chính phủ chỉ do một nhúm người trong Hội đồng quyết định” và Bộ Chính trị “cũng chỉ có 18 người mà lại có quyền sinh sát ngót 100 triệu dân”, nên những “việc đem ra Trung ương 6 sắp tới cũng chỉ là hình thức cho đúng thủ tục mà thôi” thực ra chỉ là sự kích động nhằm gây rối, chỉ là một chiêu trò “rẻ tiền”. Đồng thời, việc Hội đồng trình Hội nghị Trung ương 6 bàn về Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” vừa có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước vừa là nguyện vọng của nhân dân.
Cuối cùng, có thể khẳng định rằng, những suy diễn chủ quan, những luận điệu xuyên tạc, cố tình bịa đặt, bôi đen sự thật của Phạm Trần trong bài viết này không ngoài mục đích kích động, phủ nhận bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song thực tế đã minh chứng rằng, đó luôn là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!
ST
Có thể là hình ảnh về 1 người, laptop và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét