Một đất nước phát triển, một xã hội trong sạch, một chế độ dân chủ là ước mong nghìn đời của nhân dân ta. Người dân Việt Nam đã thực sự có hạnh phúc ngay trên Tổ quốc mình.
Cách mạng tháng Tám
năm 1945 là cuộc Cách mạng chân chính của những người bị mất tự do
và bị áp bức bóc lột được Đảng Cộng sản Việt Nam giác ngộ, tổ
chức thành công. Sau tám mươi năm bị thực dân Pháp xâm lăng và đô hộ,
tiếp đó là phát xít Nhật cai trị, người Việt Nam đứng lên làm cuộc
Tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên
ở Đông Nam Á.
Những người cộng sản
không phải là lực lượng xã hội đầu tiên ở Việt Nam chống thực dân
Pháp xâm lược. Năm 1858, dấu giày viễn chinh đến từ nước Pháp đã hằn
in lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cho cuộc xâm lăng Việt Nam
lần thứ nhất. Không ít phong trào, cuộc khởi nghĩa chống thực dân
Pháp nổi lên ngay lúc kẻ thù đặt chân lên non sông này. Các phong trào
và cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp khi ấy do những vị vua và các
sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo.
Mở đầu là phong trào
Cần Vương dưới ngọn cờ mang tinh thần trung quân ái quốc của vua Hàm
Nghi và kết thúc là cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài ba mươi năm ở
mảnh đất Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy. Khởi nghĩa Yên Thế kết
thúc cho một giai đoạn chống giặc Pháp xâm lược đặt dưới ngọn cờ của
các vị vua và sĩ phu yêu nước. "Bi tráng" và "Thất
bại" là hai từ khái quát nhất nói về giai đoạn lịch sử tăm tối
này. Thế hệ sau Hoàng Hoa Thám đã chọn con đường khác, cách thức
khác để giải phóng dân tộc và họ đã làm nên sự kiện lịch sử vĩ
đại như ta đã nói tới: Cách mạng mùa Thu năm Ất Dậu 1945.
Cuộc Cách mạng nổ ra
cách đây 77 năm nhưng những gì nổi bật trong mùa Thu ấy vẫn còn chưa
mờ phai trong ký ức dân tộc. Ký ức về một cơn lũ lịch sử ở khắp ba
miền dâng tràn ào ạt làm sụp đổ thành trì thực dân, phát xít xâm
lược và phong kiến phản động. Ký ức về lá cờ đỏ sao vàng như ngọn
đuốc lửa dẫn dắt những người cùng khổ đi phá kho thóc của Nhật. Ký
ức về Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc để dân tộc ta từ
bóng tối bước ra ánh sáng. Ký ức về ngày Quốc khánh 2/9 dưới trời
thu lồng lộng và giữa nắng vàng rực rỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc
Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do độc lập ấy..,
Ý chí quyết đem tất cả
tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy
của đồng bào và chiến sĩ ta đã thể hiện hùng hồn, đậm nét trong 9
năm kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp theo, trong hai mươi năm đánh
đế quốc Mỹ xâm lược và trong công cuộc gìn giữ bảo vệ Tổ quốc hôm
nay.
Cái giá để đất nước
độc lập tự do, non sông hòa bình thống nhất là vô cùng to lớn, không
sao kể xiết. Chặng đường dân tộc đi tới hôm nay thấm đẫm mồ hôi Việt,
máu Việt trên những nẻo non sông khi chiến tranh và ngay cả khi đất
nước đã hòa bình.
Ai có thể vô cảm được
trước hàng vạn nấm mộ liệt sĩ có tên và chưa xác định được danh
tính nối dài từ Nam ra Bắc. Ai có thể sung sướng hưởng thụ khi những
di họa của các cuộc chiến tranh còn chưa hết trong mỗi làng thôn, khu
phố, trong một thế hệ và nhiều thế hệ. Có những con người không hề
biết mùi bom đạn, chất độc da cam nhưng lại phải mang di chứng và hậu
quả của cuộc chiến tàn khốc trong mình... Nói như thế để vừa trân quý
cuộc sống hòa bình hôm nay vừa phải biết tri ân những người đã ngã
xuống và quan trọng hơn là biết sống, làm việc vì Tổ quốc, vì nhân
dân.
Chúng ta chấp nhận hy
sinh để giành lại và gìn giữ độc lập là để mang lại hạnh phúc cho
dân tộc. Độc lập phải được gắn liền với tự do và hạnh phúc của
nhân dân. Đó là nguyên tắc, là mục đích không thay đổi của Cách mạng
Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng
Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc tới vấn đề này. Từ năm
1946, Người đã chỉ rõ: Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì
độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Người mong muốn: Nước ta là nước dân chủ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Người còn căn
dặn cán bộ ta: Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ
của nhân dân…hay: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại
cho dân, ta phải hết sức tránh…
Hạnh phúc của nhân dân
là ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Mỗi
người dân là một chủ nhân của chế độ mới, còn cán bộ chính quyền
phải thực sự là công bộc của dân. Họ phải lo nỗi lo của dân, khổ
nỗi khổ của dân, đau nỗi đau của dân và luôn hết lòng vì nhân dân
phục vụ.
Chính quyền cách mạng
là chính quyền của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa, không phải là
thứ bánh vẽ hay khẩu hiệu mị dân. Nhân dân các tầng lớp trong xã hội
theo Đảng làm Cách mạng tháng Tám và kháng chiến sau này với niềm
tin Đảng cộng sản Việt Nam không có quyền lợi nào khác ngoài quyền
lợi của dân tộc.
Cách mạng tháng Tám
tỏa sáng vào dân tộc khát vọng Việt Nam được sánh vai với các nước
tiến bộ trên thế giới. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã
trích Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền
và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 để mở đầu bản Tuyên ngôn
Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam hiện nay).
Những giá trị mang ý
nghĩa nhân loại là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc cũng chẳng hề xa lạ với dân tộc Việt Nam. Chỉ tiếc, là
những nước mà Hồ Chí Minh chọn trích Tuyên ngôn lại trước, sau trở
thành kẻ xâm lược đất nước Việt Nam. Giá như Pháp và Mỹ thấu hiểu dân
tộc Việt Nam thì chắc chắn sau mùa Thu năm 1945 ấy đã không xảy ra
các cuộc chiến tranh hao người tốn của cả hai phía.
Đối chiếu với những
lời Bác Hồ căn dặn, những đảng viên cán bộ chân chính không khỏi xót
lòng khi phải chứng kiến sự xuống cấp của đạo đức của một bộ phận xã
hội bây giờ cùng quốc nạn tham nhũng đã gây ra nhiều hậu quả cho đất
nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền.
Như các cuộc kháng
chiến chống giặc ngoại xâm, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn không thể
không dựa vào dân. Dân mới đủ trăm tay nghìn mắt, dân mới có trăm
phương nghìn kế, dân mới hội tụ được những sức mạnh vô tận để tiêu
diệt giặc nội xâm có tên là tham nhũng.
Cách mạng tháng Tám
cho ta bài học về sức mạnh của nhân dân. Khi nhân dân đã đồng lòng,
quyết chí thì không một thế lực nào, kẻ thù nào có thể tác oai
tác quái được. Không tập hợp được nhân dân thì mọi cuộc cách mạng
đều coi như đã thất bại.
Thiết nghĩ, phải đưa
tinh thần Cách mạng tháng Tám vào công cuộc chống giặc nội xâm hôm
nay. Đó là, phải hết sức tin dân, trọng dân, dựa vào dân để chống
tham nhũng. Khi nhân dân đồng lòng thì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
nhất định sẽ thành công. Trong những tháng ngày chống đại dịch COVID-19, chúng
ta cũng thấy rất rõ sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân.
Một đất nước phát
triển, một xã hội trong sạch, một chế độ dân chủ là ước mong của
nhân dân ta. Người dân Việt Nam thực sự có hạnh phúc ngay trên Tổ quốc
mình khi những điều đó trở thành hiện thực. Đừng bao giờ quên, hạnh
phúc, tự do của nhân dân là mục tiêu cao đẹp của Cách mạng mùa Thu
năm 1945.
Độc lập dân tộc và
hạnh phúc nhân dân gắn liền với nhau như đôi cánh nâng đất nước bay cao
bay xa. Bao giờ Tổ quốc bay lên cao với đôi cánh tuyệt vời đó? Câu hỏi
đó là dành cho mỗi người con nước Việt, dù ở trong hay ngoài nước, đưa Việt
Nam cùng nhân loại tiến về phía trước.
Nguyễn
Hữu Quý/Chinhphu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét