Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG BẢO VỆ NHỮNG VẤN ĐỀ MANG TÍNH QUY LUẬT LỊCH SỬ VỀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 Bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong và ngoài nước các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết chống phá công cuộc đổi mới đất nước nhằm mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội chúng liên tục đăng tin, bài với những luận điệu chống đối và xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc tư tưởng bạo lực cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí phủ nhận độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam… Vì vậy, cần phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trai, thù địch để bảo vệ những vấn đề mang tính quy luật về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng Việt Nam.

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ MANG TÍNH QUY LUẬT VỀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1.1. Bạo lực cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là quy luật tất yếu của lịch sử

Đầu thế kỷ XX, khi tiếng súng chống Pháp của phong trào Cần Vương tạm thời lắng xuống thì nổi lên con đường và phương pháp cứu nước do Phan Bội Châu hay xu hướng cải lương, “Bất bạo động” do nhà yêu nước Phan Châu Trinh khởi xướng. Mặc dù yêu nước của các ông còn những hạn chế nhưng những tư tưởng ấy như một luồng gió mới thổi vào xã hội Việt Nam. Trong đó, Phan Châu Trinh là người vượt qua những hạn chế kỳ thị đương thời, ông đề ra tư tưởng cải cách dân chủ theo hướng tư sản và đã tạo nên phong trào duy tân, phong trào kháng thuế đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tư tưởng dân chủ cải lương của Phan Châu Trinh trong phong trào Duy Tân chủ trương “bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vong ngoại, vong ngoại giả ngụ”, đề cao chủ trương cải tổ về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục một cách toàn diện. Song, tư tưởng này của ông cũng bị thực dân Pháp đàn áp. Vì ngay nội dung của tư tưởng là một hiểm họa đối với chế độ thuộc địa nửa phong kiến của thực dân Pháp. Thế nhưng một số người cho rằng nếu để cho tư tưởng cải lương bất bạo động của Phan Châu Trinh tiếp tục phát triển thì may ra cũng giành được độc lập như Ấn Độ mà không cần đổ máu, đất nước vẫn phát triển”. Đó là quan điểm sai lầm. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới ra đời đã sớm xác định con đường và phương pháp cách mạng là dùng bạo lực để giành chính quyền. Đó không phải là sự “vọng ngoại” mà căn cứ vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước dân tộc ta phải đứng trước những kẻ thù to lớn và hung bạo, để bảo vệ ĐLDT và sự sống còn của nhân dân, ông cha ta phải luôn luôn dùng biện pháp đấu tranh vũ trang. Điều này trở thành một truyền thống và là phương pháp của một nước nhỏ chống lại những kẻ thù xâm lược hung bạo. Thực dân Pháp khi xâm lược nước ta đã cấu kết với bè lũ phong kiến để áp bức, bóc lột nhân dân ta, mọi phản kháng dù nhỏ của nhân dân ta đều bị đàn áp. Vì vậy, để lật đổ chế độ thực dân phong kiến không thể không dùng sức mạnh của quần chúng. Từ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn lịch sử phát triển của xã hội loài người, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin rút ra kết luận: Để giành chính quyền từ tay giai cấp thống trị, quần chúng cách mạng phải sử dụng bạo lực.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được sự hỗ trợ của các nước đế quốc, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đảng và Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành hàng loạt hoạt động ngoại giao (Hiệp định Sơ bộ 6/3, Tạm ước ngày 14/9) để tránh cuộc chiến tranh xảy ra. Nhưng thực dân Pháp với âm mưu xâm lược và nô dịch nước ta lần nữa nên đã không thừa nhận ngay cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Việt Nam chỉ là một quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp. Chúng ta muốn hòa bình nhưng hòa bình trong độc lập, tự do và chúng ta đã nhân nhượng đến giới hạn cho phép. Không dừng lại ở đó, ngay sau khi chiến tranh nổ ra, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàng chục lần đề nghị Pháp thương lượng hòa bình để kết thúc chiến tranh. Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc và trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ: Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình”, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù chuốc oán với một ai”[1]. Đó là đường lối ngoại giao hòa bình văn minh và tiến bộ; là biểu hiện sinh động của văn hóa hòa bình, không muốn chiến tranh. Nhưng tất cả đều bị từ chối. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành chín năm kháng chiến thực dân Pháp và hơn 20 năm chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng quá độ lên CNXH. Đó là thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta mà chưa có đảng phái nào ở Việt Nam làm được điều đó.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam là quy luật tất yếu, là sự lựa chọn của lịch sử

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hàng loạt cuộc khởi nghĩa do giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước Việt Nam đứng lên kháng Pháp, nhưng đều thất bại. Nối tiếp các phong trào khởi nghĩa chống Pháp theo hệ tư tưởng phong kiến là các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng của các đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, như: đảng của giai cấp nông dân như Nghĩa hưng (năm 1907); đảng của giai cấp tư sản, địa chủ, như Lập hiến (năm 1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức, tiểu tư sản, như Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (năm 1927), Việt Nam quốc dân đảng (năm 1927)… cuộc Khởi nghĩa Yên Bái ngày 09 tháng 02 năm 1930 thất bại, đã nói lên sự bế tắt về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một loạt các đảng phái, như: Đại Việt quốc dân đảng, Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách); Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời ngày 30-6-1944 và tự giải tán vào ngày 20-10-1988), Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời ngày 22-7-1946 và tự giải tán tròn 42 năm sau đó, ngày 22-7-1988)[2]… các đảng trên, có đảng mong chấn hưng đất nước, có đảng âm mưu tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị cho giai cấp, tầng lớp của họ… không vì mục đích giải phóng dân tộc, chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn và thậm chí chúng cho rằng: Đảng Cộng sản Đông Dương vì quyền lợi giai cấp và ép Đảng ta phải tự giải tán. Trước khó khăn, thách thức của lịch sử và để chứng tỏ sứ mệnh của mình với toàn dân tộc, trong Thông cáo ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng ta khẳng định: “Những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc; để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng nước nhà…”[3]. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán, thì một số đảng phái đã tự phải diệt vong hoặc bị giải tán hoặc theo bọn xâm lược ra nước ngoài… nhiệm vụ giải phóng dân tộc là một thách thức về vị trí, vai trò của đảng chính trị trong cách mạng Việt Nam.

Về mặt khách quan mà nói, ngày 03 tháng 02 tháng 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp chặt chẽ những yếu tố của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với tố chất của một đảng mácxít chân chính kiểu mới của giai cấp công nhân, có bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; chín năm kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ làm nên thắng lợi của trận Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng đã chủ trương thực hiện hai chiến lước cách mạng, “cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội”[4]Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đỉnh cao của bản anh hùng ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Đây là một trong những chiến thắnvĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”[5]. Thắng lợi đó đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn 117 năm chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược (chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới), hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng quá độ lên CNXH.

Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân ta.

3. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật tất yếu của cách mạng Việt Nam và là xu thế của thời đại

Trước sự thất bại của các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng tư sản, tiểu tư sản. Ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đã không ngừng tổ chức truyền bá vào nước ta, sáng lập và rèn luyện Đảng ta.

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tư tưởng ĐLDT gắn liền với CNXH được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản - tức là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu ĐLDT và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng CNXH.

Mục tiêu đó trở thành hiện thực trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Song, nền ĐLDT không được hưởng trọn vẹn, các thế lực thù địch quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc đứng lên… bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chín năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân và toàn thể dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) và 20 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, toàn Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam đã làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH.

Bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Cương lĩnh năm 1991 của Đảng khẳng định bài học đầu tiên của cách mạng Việt Nam là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”[6]Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[7]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (1-2021) của Đảng nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[8]. Nếu xa rời mục tiêu ĐLDT và CNXH là sẽ đi chệch hướng phát triển của đất nước. Kiên định ĐLDT và CNXH để thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi, ĐLDT và CNXH là con đường tất yếu khách quan, là nhu cầu của dân tộc Việt Nam, xu thế phát triển của xã hội loài người. Và chỉ có học thuyết Mác - Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng mới khẳng định được những giá trị bền vững đó trước thời đại.

2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH, BẢO VỆ MỘT SỐ VẤN ĐỀ MANG TÍNH QUY LUẬT LỊCH SỬ TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Trước, trong và sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng đưa ra chiêu bài mặc dù không mới lắm, nhưng cực kỳ nguy hiểm và thâm độc hòng phủ nhận tư tưởng bạo lực trong cách mạng Việt Nam, đòi “đa nguyên, đa đảng”, xóa bỏ ĐLDT gắn liền với CNXH… tung lên dồn dập trên các phương tiện thông tin, truyền thông không chính thống, trên internet, mạng xã hội với thái độ hằn học và giọng điệu thù địch. Đó là những quan điểm và luận điệu sai lầm muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Hơn ai hết, người giảng viên lý luận chính trị phải nhận diện được những quan điểm sai trái, thù địch trong đấu tranh, phản bác để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế động XHCN.

Thực hiện Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, người giảng viên lý luận chính trị có nhiệm vụ góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đặc biệt khẳng định tính tất yếu của quy luật lịch sử trên những vấn đề sau:

Thứ nhất, ở mỗi thời đại lịch sử khác nhau có các dân tộc khác nhau đi tiên phong giành độc lập; thời cận đại có các dân tộc Anh, Pháp và Mỹ; dân tộc Nga đã mở ra cho loài người một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, dân tộc Việt Nam là người đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.

Thứ hai, dù lịch sử đã sang trang, song “Ôn cố tri tân” hay nhận thức lại lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai là cần thiết đối với mỗi quốc gia dân tộc, do đó không được phép áp đặt những hiện tượng lịch sử bên ngoài cho điều kiện hay hoàn cảnh lịch sử của các quốc gia dân tộc khác nhau. Mọi mưu toan phủ nhận quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng hay phủ nhận ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam là phủ nhận những thành tựu to lớn mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là sự vong ân bội nghĩa với hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH để có một Việt Nam phát triển như hôm nay.

Thứ ba, thế giới dù có nhiều đổi thay, song toàn Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam luôn kiên định ĐLDT gắn liền với CNXH; ĐLDT và CNXH không chỉ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, cơ sở lý luận và thực tiễn cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Cần phải khẳng định rằng: phải là người Việt Nam yêu nước mới thật sự hiểu hết được giá trị của những thành quả mà Nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 92 năm qua, mới có thể nhận thức được đúng đắn và quyết tâm phấn đấu bảo vệ những thành quả đó; và chỉ có ĐLDT gắn liền với CNXH mới đem lại cho Nhân dân cơm no, áo ấm, mọi người đều được học hành và có điều kiện phát triển toàn diện; ĐLDT và CNXH là cơ sở vững chắc để xây dựng được một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tương lai.

Thứ tư, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay… Những thành tựu to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng dân tộc cũng như những thành tựu bước đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một minh chứng hùng hồn, là luận cứ lịch sử sâu sắc nhất, là quy luật tất yếu về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam mà có rất nhiều đảng chính trị đã từng xuất hiện ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã không làm được.

Có thể nói, trong mọi hoạt động của mình, trách nhiệm của người giảng viên lý luận chính trị phải không ngừng nêu cao tinh thần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, không ngừng góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét