Khi nói đến phong cách ứng xử của Bác thể thâu tóm vào hai
chữ văn hóa. Bác ứng xử tự nhiên, bình dị, gần gũi khiến bất cứ ai được gặp
Người đều không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Bác giao tiếp
với nhiều đối tượng khác nhau, tùy theo đối tượng và địa bàn mà Người có cách
ứng xử phù hợp. Ở Bác, chính trị và văn hóa hòa quyện với nhau, văn hóa mang
tính chính trị và chính trị có tính văn hóa. Đối với từng hoàn cảnh cụ thể, Bác
đều có cách ứng xử văn hóa độc đáo.
Thứ nhất, Bác ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm. Năm
1958, Bác đến thăm Ấn Độ lần thứ hai, hàng vạn người dự cuộc mít tinh tại Red
Fort (Thành Đỏ) ở Thủ đô Delhi. Phía Ấn Độ đặt sẵn một ghế trên bục danh dự cho
Bác ngồi, trông như một cái ngai vàng rất lớn, trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ J.
Neru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Thủ tướng J.
Neru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối. Thấy vậy, Thủ
tướng Neru nói: “Ngài là vị khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên
chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi”. Cả một biển người dự mít
tinh ở quảng trường đứng cả lên chứng kiến hai vị lãnh tụ của hai nước nhường
nhau, chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Cuối cùng, Thủ tướng Neru đành
gọi người cho chuyển chiếc ghế ấy đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn.
Nhân dân vô cùng cảm kích, vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Thứ hai, Bác có biệt tài ứng xử linh hoạt, biến hóa “dĩ bất
biến ứng vạn biến”.
Năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam
Ranh, Bác nhận được bức điện của Đô đốc D’ Argenlieu xin gặp Người trong cảng,
mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Người. Trong bộ
quần áo giản dị, Người ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là
Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ
bội tinh, quân hàm, quân hiệu. D’ Argenlieu mời Người giọng mỉa mai bóng gió:
“Thưa Chủ tịch, ngài đang bị đóng khung lại giữa lục quân và hải quân đó”. Ông
ta cố nói theo kiểu nhát gừng, từng tiếng một và nhấn mạnh chỗ “đang bị đóng
khung lại”. Cả bọn sĩ quan Pháp cùng cười ồ khoái chí vì cái tài “chơi chữ” của
chỉ huy. Bác thản nhiên cười, trả lời: “Nhưng như ngài biết đó, thưa Đô đốc,
chính bức họa mới làm cho khung có chút giá trị”. Bất ngờ và cay cú trước tài
ứng xử thông minh của Người, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch
lãm và kính phục Người. Đây là bản lĩnh Hồ Chí Minh, cũng chính là phong cách
ứng xử đầy trí tuệ của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thứ ba, Bác luôn ứng xử chân tình, nồng hậu có lý, có tình.
Trong những ngày giá lạnh ở Chiến khu việt Bắc năm 1954, Bác thường làm việc
rất khuya. Một lần, nghe tiếng ai đó thụt chân ngã xuống một cái hố tránh
máy bay trong đêm. Người chiến sĩ gác đêm ấy đang loay hoay tìm cách để lên
khỏi hố, bỗng nghe có tiếng bước chân đi về phía mình rồi giọng nói ấm áp lo
lắng đầy quan tâm của Bác: - Chú nào ngã đấy? Người chiến sĩ chưa kịp trả lời
Bác, thì Bác đã luồn hai tay vào nách người chiến sĩ (Bác vội, không kịp khoác
áo bông), vừa kéo, Bác vừa hỏi, chú ngã có đau không, Bác nắn chân, nắn tay cho
anh chiến sĩ rồi bảo anh ngồi xuống bóp chân cho đỡ đau. Bác căn dặn người
chiến sĩ: “Bất cứ làm việc gì chú cũng phải cẩn thận”.
Bác từng nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào
tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”, vì vậy không chỉ đấu tranh để thực
hiện khát vọng ấy, mà khi thời cơ giành chính quyền đến, Người nhấn mạnh quyết
tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên
quyết giành cho được độc lập”. Sau này, trước âm mưu chia cắt đất nước của kẻ
thù, Bác vẫn khẳng định: Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một và
"sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó vẫn không bao giờ thay
đổi”. Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân là mục
đích và cũng là “ham muốn tột bậc”, là khát vọng lớn lao mà cụ Hồ và cả dân tộc
Việt Nam phấn đấu. Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi ném bom ra miền Bắc và Hà Nội
nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, Bác khẳng định rõ quyết tâm của cả
dân tộc ta: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1
triệu quân hoặc nhiều hơn nữa… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm
hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị
tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự
do”...
Nội dung phong cách ứng xử của Bác nổi bật “Tư cách một người cách mệnh”[1] bao gồm: (1) Đối với mình, Người đã tự mình đặt ra cách “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn vật chất. Bí mật. (2) Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. (3) Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[2] ,… Đối với mọi người, Bác luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà ở Người toát lên sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình, khi phê bình thì Người rất nghiêm khắc, nhưng rất độ lượng, bao dung mà không bao che, nhằm nâng con người lên không phải hạ thấp con người xuống. Phong cách ứng xử của Bác thể hiện rõ nét sự ân cần, niềm nở, tự nhiên, luôn có sự hòa đồng giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa chủ với khách; Bác luôn ứng xử bình dị, khiêm nhường, không tự đặt mình cao hơn người khác, mặc dù Người uyên bác về trình độ, vĩ đại trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng con người, có quyền cao chức trọng trong xã hội. Với kẻ thù của cách mạng hay những người ở bên kia, phong cách ứng xử của Bác là tự chủ và lịch lãm, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và sáng tạo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tiến công hiểm độc của kẻ thù và mọi hành động gian giảo của kẻ thù. Phong cách đó đòi hỏi sự tinh tế cao trong từng lời, từng chữ, từ cái nhìn, bước đi đến thế đứng, từ cái bắt tay đến cái bắt tay đúng kiểu, đúng lúc… (4) Đối với vật, Người không xa xỉ, lãng phí, mà tiết kiệm, còn có thể nói là “căn cơ” từng hạt gạo, từng đôi tất,… Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói, Bác kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Người đã gương mẫu nghiêm túc thực hiện. Hưởng ứng phong trào đóng góp vào quỹ mùa đông binh sĩ, Bác đã gửi tới cụ Võ Liêm Sơn những dòng mộc mạc, chân tình “Thưa cụ, Ủy ban Trung ương mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1.000 đồng, nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành”. (4) Đối với việc, làm việc phải xem xét, cân nhắc kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm và sáng suốt, phục tùng đoàn thể,… Theo Bác, làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai. Cần phải tránh làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suy ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch. Không được kéo bè, kéo cánh, đây lại là một bệnh rất nguy hiểm cho tổ chức. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống…
VTT (St)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét