Trong rất nhiều thang thuốc để phòng, chống và đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thì tự phê bình và phê bình là thang thuốc hữu hiệu nhất. Đó là “vũ khí” để chữa bệnh cá nhân chủ nghĩa/chủ nghĩa cá nhân, nên mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị (gọi chung là tổ chức) cần phải sử dụng thường xuyên, nghiêm túc như “rửa mặt hằng ngày” để gột rửa sạch những vết tích, tàn dư của chế độ cũ, để trừ bỏ mọi thói hư, tật xấu trong người. Vì tự phê bình và phê bình là “vũ khí” sắc bén, nên cá nhân, tổ chức sử dụng vũ khí đều phải dùng đúng chức năng, công năng, đúng hoàn cảnh, thời điểm... mới bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là “cốt để
giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt
hơn, đúng hơn”, “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”, nên khi tiến hành vừa “phải
kiên quyết, ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” vừa
"phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Trong đó, tự phê bình là quá trình tự soi chính bản thân
mình, nên khi soi phải đồng thời “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”.
Đối với khuyết điểm của bản thân thì phải “thật thà nhận, công khai nhận trước
mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.
Việc tự đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm này sẽ giúp bản
thân: Một mặt, thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình; mặt khác, làm cơ sở cho
những người xung quanh đóng góp ý kiến, nhằm sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu
điểm. Phê bình là để giúp người, nên cũng phải đồng thời “vạch rõ cả ưu điểm và
khuyết điểm” của đồng chí mình, để có lỗi thì sửa, có ưu điểm thì phát huy.
Trong khi phê bình, việc vừa tham gia góp ý kiến và chỉ ra cách thức, biện pháp
khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để ngày càng tiến bộ; vừa cổ
vũ, động viên đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những
việc làm tốt... sẽ góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành
động của mỗi tổ chức.
Để “mài sắc” vũ khí tự phê bình và phê bình, thì người phê
bình người khác không chỉ phải luôn khách quan, trung thực, công khai, thẳng thắn,
chân thành, có tình, có lý mà còn phải cung cấp thông tin, dẫn chứng chính xác,
“không đặt điều”, “không thêm bớt” làm cho người được góp ý tâm phục, khẩu phục.
Khi phê bình, cần lựa chọn phương pháp thích hợp trong lời nói, giọng nói, cách
nói, nhất là phải phát ngôn đúng nơi, đúng chỗ; tránh kiểu ba phải, thành kiến,
xu nịnh, dựa dẫm, “thói đạo đức giả” và nhất là tránh dùng lời lẽ mỉa mai, chua
cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây tự ái hoặc hiểu nhầm cho người
bị phê bình.
Còn người bị phê bình cũng cần phòng và tránh sự bức xúc, mất
bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, phát ngôn thiếu văn hóa hoặc có
thái độ thách thức, khiêu khích người đang phê bình mình; nhất là cần tránh việc
nhận khuyết điểm nhưng không tâm phục, khẩu phục, nên chỉ nhận qua loa, cho
xong chuyện mà không quyết tâm sửa chữa, thậm chí vẫn tiếp tục mắc lại những
khuyết điểm cũ. Riêng đối với những ý kiến góp ý chưa đúng, cần phải giải trình
thì người bị phê bình cũng nên bình tĩnh, mềm dẻo, khiêm tốn và cầu thị...
Theo Hồ Chí Minh, việc mài sắc “vũ khí” tự phê bình và phê
bình chỉ thực sự hữu hiệu khi người phê bình cũng như người tiếp thu ý kiến phê
bình của người khác đều có động cơ trong sáng, đúng đắn, với tinh thần “phê
bình việc làm, chứ không phê bình người”; khi cả hai người đều thành khẩn,
thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình cũng như của đồng chí mình; đều
phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể với tinh thần cầu
thị, biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và quyết tâm sửa
chữa.
Trong khi thực hiện “vũ khí” này, cả người tự phê bình lẫn
người phê bình đều phải tránh động cơ vụ lợi, thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp
hòi; lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, phủ nhận ưu điểm nhằm
hạ uy tín, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.
Trên thực tế, “vũ khí” tự phê bình và phê bình có nơi, có
lúc chưa được “mài sắc”, chưa được thực hiện nghiêm, bởi trong từng con người,
từng đơn vị vẫn còn hiện tượng “sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín”
và dùng lý do “sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo” để che giấu hoặc
bao che khuyết điểm, chạy tội cho đồng chí mình.
Tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” vì sợ mất
lòng, “mất phiếu”, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân cũng như tâm lý sợ bị phê bình
nên phải phê bình người khác nhưng phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình
thức-thực chất là nói để lấy lòng nhau vẫn còn. Vì thế, để “vũ khí” tự phê bình
và phê bình sắc bén trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, thì:
Một là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu
quả “tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở” gắn với nhiệm vụ chính trị,
với sinh hoạt Đảng. Việc chuẩn bị tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên
và mỗi tổ chức vừa phải có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên, với
phương châm “trị bệnh cứu người”, “thuốc đắng dã tật”, vừa phải được tiến hành
chu đáo, nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phải gắn liền với việc
thực hiện các nghị quyết và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với các
chỉ thị và kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh... để làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là
phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự
phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây
dựng và chỉnh đốn Đảng.
Hai là, vì tự phê bình và phê bình là quá trình tự soi, tự sửa,
tự cứu mình và giúp người, vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự phát triển vững
mạnh của tổ chức, nên “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi
ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm
phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa.
Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng
thành công”, chứ không chờ “có việc” mới tiến hành, có khuyết điểm mới phạt...
Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và phát huy dân chủ;
đề cao tính tự giác, trách nhiệm, thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình
đúng đắn, phù hợp để “vũ khí” này trở thành động lực cho mọi sự phát triển, tạo
được sự biến đổi về chất trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ
chức Đảng, nhân nguồn sức mạnh nội sinh trong từng cá nhân, trong từng tổ chức
lên như cây nảy lộc, đơm hoa, kết trái.
Ba là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra,
giám sát, kỷ luật của Đảng vừa cẩn trọng vừa kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả để
đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Đồng thời, phát
huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tự phê bình
và phê bình theo nguyên tắc tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ
cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên.
Cấp trên gương mẫu tự kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo;
tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức
vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm, cấp dưới
phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải
lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, để nguyên tắc tự phê bình và phê bình
không chỉ bảo đảm chất lượng, hiệu quả mà còn góp phần làm tăng uy tín của cán
bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi tổ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét