Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

VAI DIỄN

“Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư bị đánh đập, phạt cùm ở Trại giam số 6”, “Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam điều tra cáo buộc đánh đập tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư”, “Liên minh quốc tế thúc giục Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn ông Trịnh Bá Phương” là những bài viết đang được Đài Á châu tự do - RFA cùng các cá nhân, hội, nhóm “dân chủ” tích cực lan truyền. Thế mới thấy, dù đã lâm vào vòng lao lý nhưng các “nhà dân chủ” vẫn chưa chịu từ bỏ “vai diễn nhân quyền”, không biết quay đầu hối cải.

Những ngày gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, giới “dân chủ” đang ráo riết vu cáo các cơ quan chức năng đánh đập, tra tấn phạm nhân Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương. Chúng rêu rao luận điệu cho rằng: “người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở Việt Nam thường xuyên bị quấy rối, trả thù và đối xử vô nhân đạo”, “Trịnh Bá Tư tuyệt thực 14 ngày và không rõ bao giờ ngừng tuyệt thực”, “Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân nhiều ngày trong phòng biệt giam”… Từ đó, những kẻ này đòi chính quyền cho các hội, nhóm bên ngoài tiếp xúc, làm việc với Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư để “mở cuộc điều tra”.

Chiêu trò tuyệt thực, vu cáo cán bộ quản giáo đánh đập, tra tấn không hề mới trong giới “dân chủ”. Thực tế, đây là kịch bản có sẵn và được các “nhà dân chủ” học thuộc lòng, sẵn sàng áp dụng khi bị giam giữ và trong thời gian chấp hành án tù. Trước đó, chúng ta đã từng chứng kiến những màn biểu diễn tương tự của Trần Huỳnh Duy Thức, “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ… Có thể thấy, những “vai diễn nhân quyền” của các phạm nhân “dân chủ” có sự tiếp tay, giúp sức tích cực của các đối tượng bên ngoài. Theo đúng kịch bản được đưa ra, sau những màn thăm thân nhân, bạn bè hoặc người thân của các “tù nhân lương tâm” sẽ đăng đàn facebook khóc lóc kêu oan và vu cáo chính quyền. Các “loa làng dân chủ” như RFA, VOA, BBC, HRW... ngay lập tức hô ứng, tiến hành phỏng vấn, đưa tin một chiều, hướng lái tiêu cực nhằm làm nóng dư luận.

Vì sao các “nhà dân chủ” lại cố tình vu cáo bị quản giáo đánh đập, tra tấn? Vì sao họ lại thích “tuyệt thực” đến như vậy? Xin thưa, tất cả đều được tính toán hết sức tinh vi nhằm gây sức ép cho Đảng, Nhà nước Việt Nam. Về phía các phạm nhân, đây là những kẻ sống bằng “nghề dân chủ”. Trong nghề này, kẻ nào chống phá càng quyết liệt thì càng dễ dàng nhận được sự “hà hơi”, giúp sức, hỗ trợ vật chất từ các thế lực bên ngoài. Ngược lại, nếu không thường xuyên đánh bóng tên tuổi thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên và đồng nghĩa với việc mất đi “cần câu cơm”. Bởi vậy, chúng bất chấp mọi thủ đoạn, miễn sao để tên tuổi của bản thân có thể thu hút được sự chú ý của các thế lực bên ngoài. Về phía các hội, nhóm, tổ chức chống phá trong và ngoài nước, mục đích của chúng là tấn công, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Do đó, chỉ cần thông tin nào bất lợi cho Việt Nam thì chúng đều tích cực thu góp, tạo cớ để xuyên tạc. Núp dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực bên ngoài sẽ gia tăng công kích, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đích đến cuối cùng của chúng là chống phá chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam nói chung và cơ quan thi hành án hình sự nói riêng chẳng có lý do gì để phải “đàn áp”, “đánh đập” đối với Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Cả hai đối tượng này đã bị kết án và đang trong giai đoạn chấp hành án phạt tù, đã bị tách biệt khỏi xã hội. Suy cho cùng, cả hai cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong số các phạm nhân đang phải chấp hành án. Chẳng có lý do, mục đích gì để cán bộ quản giáo phải “đánh đập”, “đàn áp” đối với những kẻ này.

Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng hình phạt tù. Phạt tù là việc cơ quan có thẩm quyền buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Trong quá trình chấp hành án, các phạm nhân được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, người chấp hành án cũng được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế; được tham gia hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự… Đi liền với đó, các phạm nhân cũng có nghĩa vụ chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ; chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ; tham gia lao động, học tập theo quy định. Trường hợp phạm nhân vi phạm nội quy hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc giam tại buồng kỷ luật. Trong trường hợp bị giam tại buồng kỷ luật, pháp luật thi hành án hình sự cũng quy định phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân, trừ trường hợp phạm nhân nữ, dưới 18 tuổi hoặc người già yếu sẽ không áp dụng cùm chân. Một khi đã là phạm nhân thì tất cả đều ngang nhau, đừng bao giờ lấy mác “dân chủ”, “nhân quyền” để đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi so với những người khác./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét