Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Hội chứng chỉ trích, chê bai trên mạng xã hội

Chỉ trích, chê bai mà thiếu căn cứ tìm hiểu, thậm chí với cả những người, sự việc chưa từng gặp, tham gia rất gần với thóa mạ, xúc phạm, trong một số trường hợp còn có thể bị coi là vi phạm pháp luật. Đó không đơn thuần là hành động, thói quen xấu, mà ở mức độ nhất định còn phản ánh một tư duy, lối sống tiêu cực, thiếu văn minh trong đời sống.

Bởi khi xuất hiện quá nhiều sự chê bai, chỉ trích như vậy sẽ khiến cho xã hội mất đi nguồn năng lượng tích cực, ảnh hưởng tiêu cực tới động lực làm việc, sáng tạo, cũng như khiến giảm sút niềm tin vào cuộc sống. Do đó trước thói quen thích chê bai của không ít người thậm chí có chiều hướng lây lan, gia tăng như hiện nay, nhất là trên mạng xã hội rất cần có những giải pháp chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời.

Không ai có thể phủ nhận tính hữu dụng của mạng xã hội nếu người sử dụng biết khai thác để phục vụ cho nhu cầu học hỏi, kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên thực tế đang có một bộ phận không nhỏ người Việt sử dụng mạng xã hội chỉ để thể hiện những khía cạnh thiếu văn minh, thiếu hiểu biết, làm cho môi trường mạng trở nên tiêu cực, xấu xí, gây tổn thương cho người khác. Đáng lo ngại là tình trạng thích chỉ trích, chê bai đang nguy cơ trở thành một thói quen phổ biến trong các hội nhóm mạng xã hội và ngày càng có khả năng lan rộng, trầm trọng hơn về mức độ và quy mô. Mới đây nhất có thể kể đến câu chuyện chê bai show diễn của một nam nghệ sĩ tại Ninh Bình. Việc một số khán giả chuyển nhượng lại vé đã mua nhưng hiện không còn nhu cầu của show diễn vốn là bình thường theo quy luật thị trường nhưng lại bị một số hội nhóm trên mạng đẩy lên thành cao trào, đưa ra những nghi vấn về khâu tổ chức, về chất lượng đêm diễn. Đáng buồn thay không chỉ các hội nhóm trên mạng mà thậm chí có một vài trang báo mạng cũng "hùa" theo chê bai, nghi vấn, cho đăng tải các bài viết với dụng ý nghi hoặc, soi mói bất lợi cho show diễn của nghệ sĩ. Trong khi thực tế đêm diễn đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả, và được nhiều người đánh giá cao.

Tham gia mạng xã hội, chúng ta không khó để tìm ra nhiều thí dụ liên quan đến việc "cư dân mạng" mặc sức chê bai, mắng mỏ, xâm phạm đời tư của ai đó khi họ có phát ngôn, hành động trái với ý kiến của một nhóm người. Trước việc một ca sĩ trên livestreams sử dụng tiếng Anh, thay vì góp ý, động viên, khuyến khích thì đông đảo anti-fan tràn vào chê nghệ sĩ phát âm tiếng Anh "dở ẹc". Hoặc một lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi với đối tác trong hội thảo bằng tiếng Anh mà clip vô tình được đưa lên mạng cũng lập tức bị đám đông cũng hùa vào chê bai. Đến nỗi có người bất bình viết bình luận, xin đám đông đừng thiếu lịch sự như vậy, một người để nói được ngoại ngữ ở trình độ đó thì họ đã phải chăm chỉ học rất lâu, cũng liền bị đám đông mắng chửi lại. Một giáo sư sau khi chứng kiến câu chuyện phải thốt lên: "Tôi dám chắc các bạn ngồi cào bàn phím chê bai người khác đều không thể nói được một câu tiếng Anh cho ra hồn, vì nếu để tâm học hỏi các bạn sẽ hiểu được sự vất vả của việc học và không thể có thời giờ lên mạng chê trách người khác".

Bất kỳ ai sử dụng mạng xã hội đều không lạ lẫm khi bắt gặp các hội nhóm "Anti" (chống lại, phản đối) xuất hiện nhan nhản trên mạng. Có thể thấy bản chất của không ít các hội nhóm như vậy là để bóc phốt, nói xấu, khui những chuyện đời tư của một tổ chức hay cá nhân. Đôi khi đối tượng bị chê bai còn là các nhãn hàng, hoặc sản phẩm văn hóa (như bộ phim, cuốn sách, chương trình nghệ thuật...) đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên thay vì đưa ra những nhận xét, đánh giá thấu đáo, công tâm, một số hội nhóm "Anti" thực chất là nơi để các "anh hùng bàn phím" trút vào đó những điều không ưng ý, không hài lòng về một đối tượng mà họ thấy... ghét.

Những "cuộc chiến chê bai" trên mạng ảo đã gây không ít hệ lụy trong đời thực. Như trong lĩnh vực điện ảnh, thời gian vừa qua có hiện tượng phim Việt bị "chết" ngay sau khi ra rạp, ngoài lý do chủ quan và khách quan như chất lượng chưa đồng đều, suất chiếu không phù hợp, còn một lý do không kém phần quan trọng đến từ việc trước đó bị khán giả dập vùi chê bai không thương tiếc. Cụ thể, một số khán giả thiếu thiện chí khi xem phim, bắt lỗi những điểm không hài lòng, thay vì góp ý mang tính xây dựng, họ dùng từ ngữ nặng nề "kết án" bộ phim trên mạng xã hội, rồi những người khác dù chưa xem phim cũng hùa theo, tạo thành một hội chứng đám đông, mặc nhiên phủ nhận công sức sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà sản xuất. Những yếu tố đó cộng lại khiến cho một vài bộ phim phải tức tưởi chịu cảnh rời rạp chiếu sớm, chấp nhận thua lỗ.

Chứng kiến những sự việc đáng buồn ấy, nhiều người không khỏi lo lắng bởi, dường như ý thức, tinh thần trân trọng, cổ vũ các sáng tạo, cái mới để qua đó khích lệ, nâng niu khuyến khích, sử dụng các giá trị lao động của các cá nhân trong xã hội đang nguy cơ giảm sút trong lối sống, cách suy nghĩ ở không ít người Việt trẻ đang ngày đêm lướt bàn phím thể hiện "quyền lực" của mình. Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hóa, trong khi Nhà nước ta đang cố gắng tạo mọi điều kiện để bảo vệ, phát huy, khuếch trương các sản phẩm văn hóa nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa Việt ở trong nước cũng như trên trường quốc tế thì thói quen thích chỉ trích, chê bai này đang nguy cơ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa, tại một số quốc gia đã chỉ ra rằng, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ sáng tạo giá trị văn hóa, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi thì còn có vai trò rất lớn đó là sự động viên, khích lệ của công chúng trong nước, những người luôn sẵn sàng tiêu thụ, cổ vũ, trân trọng các sản phẩm của văn hóa dân tộc mình.

Đáng buồn là trong một số vụ việc xảy ra thời gian qua, người sử dụng mạng xã hội đã đi quá xa, để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Thói quen hùa nhau chỉ trích, chê bai mà không cần suy xét, không cần chứng cứ là một tính xấu thể hiện sự kém văn minh của người sử dụng mạng. Tiện ích của mạng xã hội đã được chứng minh, nhưng cũng chính mạng xã hội đang là mảnh đất phơi bày nhiều lỗ hổng trong văn hóa của một bộ phận không nhỏ người sử dụng. Đã đến lúc cần quyết liệt phê phán, thậm chí có hình thức xử lý nghiêm việc một số bạn trẻ lên mạng xã hội tham gia vào các nhóm "Anti", cho mình quyền được chửi bới, thóa mạ bất cứ điều gì mình "chướng tai gai mắt" thay vì chỉ góp ý, nhắc nhở rồi cho qua. Mạng xã hội cũng như ngoài đời, khi những lời chê bai, nói xấu xuất hiện thường xuyên sẽ làm cho môi trường sống bị vẩn đục, ảm đạm, tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm trạng và lối sống của những người chung quanh.

Cũng không nên đánh đồng việc chê bai, thóa mạ với việc "đánh giá" hay "phê bình" để rồi xuề xòa cho đó là chuyện nhỏ, là bình thường. Vì đánh giá hay phê bình đều phải dựa trên những cơ sở mang tính khách quan, khoa học, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ chừng mực, thuyết phục, giúp cho đối tượng nhận diện vấn đề rõ ràng hơn. Người ta sử dụng cụm từ "văn hóa phê bình" là vì vậy. Còn chê bai, thóa mạ, công kích, là hành vi phản văn hóa, bởi nó không dựa trên tính khách quan khoa học, tệ hơn nữa, nó còn ẩn dưới đó những dụng ý xấu, và cái tâm không trong sáng của người phát ngôn. Trong một số trường hợp nó thậm chí trở thành "thuốc độc", có thể lấy đi danh dự, thậm chí mạng sống của người bị chê bai. Đó là loại vũ khí vô hình nhưng mang tính sát thương cao, không hề có tác dụng xây dựng cho môi trường đời sống trở nên tốt đẹp, có ích hơn. Theo số liệu khảo sát của Microsoft mới nhất, Việt Nam đứng tốp 5/25 quốc gia có hành vi ứng xử không văn minh trên môi trường internet. Con số đáng buồn này rất đáng để những người có trách nhiệm và những "cư dân mạng" suy ngẫm để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Trong thời đại số, đời sống của thế hệ trẻ gắn bó ngày càng chặt chẽ với môi trường internet. Đang dần hình thành những thế hệ lớn lên, trưởng thành từ mạng xã hội. Những tiếp xúc của một người mỗi ngày trong đời thường đôi khi còn ít hơn cả tiếp xúc trên mạng xã hội. Ở chiều ngược lại, cách sống, cách cư xử của một người trong đời thường đang chịu tác động mạnh mẽ từ môi trường mạng. Do vậy, rất cần đặt vấn đề nghiêm túc và sâu sắc về việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho người sử dụng, đặc biệt là lớp trẻ. Vấn đề này không thể tách rời vấn đề xây dựng văn hóa con người trong thời đại mới. Bởi một lớp người trẻ biết ứng xử có văn hóa trên mạng có thể giúp ích rất nhiều trong lan tỏa các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình, biết trân trọng những sáng tạo của người khác, biết lắng nghe và chia sẻ. Khi tham gia các diễn đàn sẽ biết phân định đúng sai, biết dùng kiến thức và khả năng phân tích để đánh giá con người, sự việc, không bị cuốn theo đám đông, không hùa vào nói xấu, lăng mạ một ai đó khi chưa có cơ sở thuyết phục. Lớp người trẻ có văn hóa sử dụng mạng xã hội sẽ tạo ra những nguồn năng lượng tích cực, giúp cho bạn bè thế giới yêu mến Việt Nam hơn, và góp phần hiệu quả để mang văn hóa Việt ra thế giới.

Việc chê bai, chửi bới, thóa mạ đến mức vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng xét đến cùng, mọi quy định mang tính bắt buộc chỉ là công cụ cảnh báo hoặc răn đe, quan trọng nhất vẫn là ý thức cá nhân của mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Gia đình và nhà trường cần phải không ngừng giáo dục thế hệ trẻ trong việc ứng xử văn hóa khi là một "công dân mạng". Theo đó, chính người lớn phải là tấm gương trong việc nhận xét, bình phẩm, đánh giá một ai đó, và có thái độ rõ ràng với con em mình khi tham gia vào các hội nhóm trên mạng. Mỗi một người phải tự nhận thức về sự nguy hại của hội chứng đám đông, nhân danh đám đông để ném đá, bôi xấu, hạ nhục, làm tổn hại dù đó là một cá nhân hay một tổ chức. Phải khách quan, trung thực, đặt mình vào vị trí của người khác trước khi phát ngôn, bình luận. Đó là cách giúp mỗi cá nhân tự nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng trở nên lành mạnh, văn minh hơn./.

1 nhận xét: