“Thờ ơ, vô cảm, thiếu
trách nhiệm” trước những bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân
là một trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên; “căn bệnh” nguy hại tác động sâu sắc đến niềm tin của Nhân dân với Đảng
và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Vì thế, cần sớm phát hiện, điều trị triệt
để “căn bệnh” này để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Việc
tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa
thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chưa
nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân
dân”. Trong đó, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, chưa nêu cao ý thức, trách
nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. “Thờ ơ, vô cảm,
thiếu trách nhiệm” của một số cán bộ, đảng viên thực sự là một “căn bệnh” rất
nguy hại, có biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, như: suy nghĩ
hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc
diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như trước khó khăn, bức
xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sống ích kỷ, vun vén cá nhân,
kèn cựa, đố kỵ, có những hành vi trái đạo đức, lương tâm của con người; tranh
công, đổ lỗi, không trung thực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc
thì “được chăng hay chớ”, “dân có cần, nhưng quan không vội”, “khó người dễ
ta”, hoặc rơi vào tham nhũng, lãng phí, tư duy nhiệm kỳ.
Mối
nguy hại của căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ,
đảng viên là rất lớn, nhất là khi nó “chui” vào chính trị để hình thành sự “vô
cảm về chính trị”. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên là cầu nối quan trọng giữa Đảng,
Nhà nước với Nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho nhân dân thực thi chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nắm
bắt và phản hồi thông tin từ Nhân dân để Đảng, Nhà nước có căn cứ hoạch định,
điều chỉnh, bổ sung và đưa ra những quyết sách bảo đảm cho đất nước phát triển
nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi cán bộ, đảng viên thờ ơ,
vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, đòi hỏi chính đáng của
nhân dân thì vô hình trung đã tự chặt đứt sợi dây gắn bó máu thịt giữa Nhân dân
với Đảng và giữa Đảng với Nhân dân.
“Thờ
ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” còn là căn nguyên gây mất đoàn kết, mâu thuẫn,
nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương dẫn đến kết quả hoàn
thành nhiệm vụ thấp, gây hại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính thái độ này
dẫn đến thói ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, kèn cựa địa vị, quan liêu, bao biện,
phô trương, lãng phí, tự tư, tự lợi, tham ô, hủ hóa, không quan tâm đến công
việc được giao; thậm chí bỏ mặc, né tránh khi được giao nhiệm vụ mới, khó khăn;
hoang mang dao động trước những khó khăn, thách thức tác động đến cơ quan, đơn
vị, địa phương mình, v.v. Nhưng khi có thành tích lại cố vơ về mình, không tận
tâm, tận lực, đồng lòng, đồng sức, thống nhất để tìm ra giải pháp hữu hiệu đưa
cơ quan, đơn vị, địa phương mình vượt qua thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt
nhiệm vụ. Điều này gây nguy hại rất lớn đến xây dựng sự đoàn kết, thống nhất
trong các tổ chức, nếu để kéo dài, không khắc phục kịp thời sẽ làm chuyển hóa
từ bên trong nội bộ từng tổ chức.
“Thờ
ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
Đảng, hiệu quả điều hành của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã
hội. Đây còn là căn bệnh “quái ác” làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng
và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta
cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến
những người có tư cách, đạo đức”. Do đó, nếu cán bộ, đảng viên mà có thái độ
“thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” với nhân dân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Đảng ta.
Có
thể nói, “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” là căn bệnh còn tồn tại khá phổ
biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay và rất nguy hại, giống như
sâu mọt đục khoét làm cho “cây mất gốc”, sớm muộn gì cũng sẽ đổ. Nguyên nhân
sâu xa của “căn bệnh” này là do cán bộ, đảng viên không quan tâm đến chính trị,
lười học lý luận chính trị, nhất là nghị quyết của Đảng, có lối sống thực dụng,
xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thờ ơ với thời cuộc và các vấn đề chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đơn vị, địa phương, chỉ chăm lo thu
vén cá nhân; ngại va chạm, giữ tâm thế trung dung với tư tưởng “dĩ hòa vi quý”;
không tích cực tham gia đấu tranh với những vi phạm, biểu hiện xấu, nhận thức,
hành vi lệch lạc ở xung quanh để xây dựng đơn vị, địa phương đoàn kết, vững
mạnh, phát triển.
Chính
vì vậy, chữa trị triệt để “căn bệnh” này là vấn đề cấp bách, đòi hỏi kết hợp
đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc
và đoàn thể các cấp phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tư tưởng, đạo
đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tư tưởng: “lấy dân làm
gốc”, tinh thần trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có
trách nhiệm với dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân,… làm “điểm mấu chốt” để khắc
phục bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên thực. Cùng với đó, cấp ủy, chính
quyền các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tăng cường rèn luyện, bồi
dưỡng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực, đạo đức cách mạng. Đổi mới và
nâng cao chất lượng nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên một cách
công khai, minh bạch; kiên quyết sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên không
còn đủ tư cách, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc ra khỏi Đảng,
cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, như lời Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã phát biểu: “Nếu cảm thấy mình không đủ năng lực, trách nhiệm thì
dẹp sang một bên để người khác làm”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải thường
xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí để làm tròn chức trách, nhiệm vụ
được giao, làm tấm gương sáng để quần chúng học tập, làm theo. Thực tế cho
thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà cán bộ, đảng viên, nhất là
người đứng đầu gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có năng lực công tác
và hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng và
noi theo.
thờ ơ, vô cảm thì nên nghỉ
Trả lờiXóa