Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

 

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng với công tác đào tạo ngành Tôn giáo học và Công tác tôn giáo

(LLCT) -  Bài viết giới thiệu kinh nghiệm đào tạo ngành Tôn giáo học và Công tác tôn giáo của Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trong hơn 20 năm qua. Đó là những kinh nghiệm giúp Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo được giao, mà còn trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về tư vấn chính sách tôn giáo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo của đất nước trong tình hình mới.

1. Khái lược quá trình hình thành, phát triển của ngành Tôn giáo học ở Việt Nam

Tại Việt Nam, ngành Tôn giáo học ra đời từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX, với việc thành lập những cơ sở nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo dưới góc độ một bộ môn khoa học nhân văn độc lập, tiêu biểu là Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Bộ môn Tôn giáo học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đầu năm 1991, Ban Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia được thành lập. Ngay cuối năm này, Ban Nghiên cứu được nâng lên thành Trung tâm Khoa học về Tôn giáo. Đến năm 1993, Trung tâm được nâng lên thành Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Viện có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về tín ngưỡng, tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trong nước nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về tôn giáo; tham gia phát triển tiềm lực nghiên cứu tôn giáo của cả nước(1).

Từ năm 2001, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học (thuộc ngành Triết học). Đến năm 2010, chức năng đào tạo sau đại học ngành Tôn giáo học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo chuyển về Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam(2).  

Bộ môn Tôn giáo, thuộc Khoa Triết học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập năm 1999; đến năm 2016, bộ môn trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bộ môn có chức năng, nhiệm vụ truyền bá tri thức về tôn giáo học, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; giảng dạy phương pháp nghiên cứu tôn giáo học, các tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam, tôn giáo tín ngưỡng và đời sống xã hội. Bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Triết học chuyên ngành Tôn giáo học (từ năm 1999), thạc sĩ Triết học chuyên ngành Tôn giáo học (từ năm 2004), thạc sĩ ngành Tôn giáo học (từ năm 2014) và tiến sĩ ngành Tôn giáo học (từ năm 2015), cử nhân ngành Tôn giáo học (từ năm 2016)(4).

Tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ môn Khoa học về Tín ngưỡng và Tôn giáo được thành lập năm 1995. Năm 1998, Bộ môn được nâng lên thành Trung tâm Khoa học về Tín ngưỡng và Tôn giáo. Đến năm 2006, Trung tâm được nâng lên thành Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng. Năm 2018, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng đổi tên thành Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng. Viện có chức năng giảng dạy lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho các lớp trong và ngoài Học viện; tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ ngành Tôn giáo học (từ năm 1999), cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo (từ năm 2006, văn bằng 2), tiến sĩ ngành Tôn giáo học (từ năm 2017)(3).

2. Một số kết quả đào tạo ngành Tôn giáo học và Công tác tôn giáo của Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng

Tính đến tháng 6-2018, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng đã và đang đào tạo 17 khóa thạc sĩ ngành Tôn giáo học với khoảng 250 học viên; 15 khóa cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo với khoảng 500 học viên; 2 khóa tiến sĩ ngành Tôn giáo học với 13 học viên. Bên cạnh đó, các cán bộ của Viện còn tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ các ngành Tôn giáo học, Triết học, Nhân học, Quản lý công,... cho Khoa Tôn giáo học, Khoa Việt Nam học (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Bộ môn Tôn giáo học, Khoa Nhân học, Khoa Triết học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Khoa Triết học, Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Khoa Quản lý nhà nước về xã hội (Học viện Hành chính Quốc gia),v.v... Đặc biệt, một số nhà khoa học của Viện còn được mời giảng dạy cho các lớp dự nguồn cán bộ cấp Trung ương và dự nguồn cán bộ cấp tỉnh.

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các hệ lớp chuyên ngành của Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng tại Học viện Trung tâm có ít học viên. Trước thực tế đó, Viện đã chủ động liên hệ với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Học viện Chính trị Khu vực IV, chính quyền một số tỉnh ở Nam Bộ, một số trường đại học để mở các lớp hệ tại chức ở khu vực và địa phương. Viện đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mở lớp cao học ngành Tôn giáo học, niên khóa 2012 - 2014, đặt tại Học viện Chính trị Khu vực IV (Cần Thơ), với 57 học viên; phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên mở lớp cao học ngành Tôn giáo học, niên khóa 2015 - 2017, đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, với 20 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực IV mở lớp cao học ngành Tôn giáo học, niên khóa 2017-2019, với 13 học viên; phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp cao học ngành Tôn giáo học, niên khóa 2019 - 2021; phối hợp với chính quyền tỉnh Đồng Nai mở hai lớp Cử nhân chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, với tổng số 164 học viên (niên khóa 2008 - 2010: 76 học viên, niên khóa 2015 - 2017: 88 học viên); phối hợp với chính quyền tỉnh Sóc Trăng mở lớp Cử nhân chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo, niên khóa 2018 - 2020, đặt tại Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng, với 86 học viên...

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng luôn chủ động trao đổi với các cơ quan, ban ngành liên quan đến công tác tôn giáo ở Trung ương, như: Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...; ở các địa phương, như: Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, Ban Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai, Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum, Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên,... để hiểu rõ những vấn đề đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật về tôn giáo và việc thực thi chính sách, pháp luật về tôn giáo, cũng như thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay, nhằm kịp thời bổ sung nội dung giảng dạy của Viện, cũng như đề tài luận văn, luận án của học viên. Chẳng hạn, các môn “Đăng ký và công nhận các tổ chức tôn giáo”, “Quản lý nhà nước về đất đai, cơ sở thờ tự và hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo” trong chương trình đào tạo cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo, các môn “Hiện tượng tôn giáo mới”, “Kinh tế học tôn giáo”, “Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam” trong chương trình đào tạo cao học ngành Tôn giáo học...; luận văn cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo “Công tác kết nạp đảng viên là người có tôn giáo ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định hiện nay” của học viên Vũ Khắc Giáp (niên khóa 2016-2018), luận văn thạc sĩ ngành Tôn giáo học: “Phát huy nguồn lực của Công giáo ở tỉnh Đồng Nai hiện nay” của học viên Nguyễn Đình Kiên (niên khóa 2017-2019), các đề tài luận án tiến sĩ ngành Tôn giáo học: “Đóng góp của Phật giáo với vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay” của nghiên cứu sinh Bùi Hồng Thanh (niên khóa 2017-2020), “Pháp nhân tôn giáo ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra hiện nay” của nghiên cứu sinh Nguyễn Tuấn Thùy (niên khóa 2018-2021)...

  Để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu, gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức, bên cạnh đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên ngành chuyên sâu và bề dày kinh nghiệm giảng dạy, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng còn mời các nhà khoa học có uy tín đang công tác tại các viện nghiên cứu, trường đại học, như:  Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Học viện Chính trị Khu vực IV (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội,... tham gia đào tạo các lớp cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tôn giáo, thạc sĩ, tiến sĩ ngành Tôn giáo học.

Chẳng hạn, Viện đã mời: PGS, TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giảng bài “Chính sách, pháp luật về tôn giáo của một số nước trên thế giới”; PGS, TS Đỗ Hồng Kỳ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giảng bài “Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”; PGS, TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giảng bài “Xã hội học tôn giáo”; PGS, TS Đinh Hồng Hải, Khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), giảng bài “Nhân học tôn giáo”; TS Lê Minh Thiện, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giảng bài “Tâm lý học tôn giáo”; TS Đinh Thị Xuân Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo (Ban Dân vận Trung ương), giảng bài “Dòng tu Công giáo ở Việt Nam hiện nay”; TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), giảng bài “Các văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng, tôn giáo”; TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hà Nội), giảng bài “Công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở tín ngưỡng ở nước ta hiện nay”; TS Huỳnh Thanh Quang, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), giảng bài “Các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ”; TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chỉnh phủ), giảng bài “Công tác quản lý nhà nước đối với Phật giáo ở Việt Nam hiện nay”; TS Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Chính sách Tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), giảng bài “Công tác quản lý nhà nước đối với Công giáo ở Việt Nam hiện nay”; ThS Lê Đình Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tôn giáo (Ban Dân vận Trung ương), giảng bài “Chính sách, pháp luật của Việt Nam về nhà đất tôn giáo hiện nay”;  ThS Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), giảng bài “Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay”; ThS Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ban Tôn giáo Chính phủ), giảng bài “Quá trình công nhận pháp nhân tôn giáo ở Việt Nam”; ThS Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin lành (Ban Tôn giáo Chính phủ), giảng bài “Công tác quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay”...

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu khảo sát thực tế về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng trong nước, tiêu biểu như: biểu hiện mới của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay qua trường hợp chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam); thực trạng Công giáo ở Việt Nam, qua trường hợp đào tạo chức sắc Công giáo ở Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), hoạt động của các dòng tu Công giáo ở Giáo phận Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình); biến đổi tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Cao Bằng) và Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum); các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay qua trường hợp đạo Bác Hồ ở tỉnh Hải Dương và đạo Dương Văn Mình ở tỉnh Cao Bằng...

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi khoa học với các tổ chức khoa học và các nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam và trên thế giới. Chẳng hạn, các cuộc hội thảo cấp Học viện: “Mười năm thực hiện Nghị quyết lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và tôn giáo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, tổ chức năm 2014; “Văn hóa tôn giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam”, tổ chức năm 2015; “Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại” tổ chức năm 2016; “Tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam trong bối cảnh mới” tổ chức năm 2018... Kết quả thu được từ những hoạt động khoa học này đã trợ giúp hiệu quả công tác đào tạo của Viện.

Từ năm 2018, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Hội Việt - Mỹ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ (Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ), Ban Tôn giáo tỉnh Bình Định (Sở Nội vụ tỉnh Bình Định); Viện Liên kết Toàn cầu và Trường Đại học Brigham Young (Hoa Kỳ) tổ chức hai khóa “Trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về tôn giáo và pháp quyền” tại thành phố Cần Thơ (tháng 9-2018) và tại thành phố Quy Nhơn (tháng 4-2019). Đây là cơ hội để các nhà khoa học, cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp, các chức sắc tôn giáo cùng nhau trao đổi làm rõ hơn những vấn đề cơ bản liên quan đến tôn giáo và pháp quyền; bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; phân tích những điểm mới và hướng dẫn nghiệp vụ thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam trong sự so sánh kinh nghiệm với luật pháp tôn giáo của các nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á. Diễn đàn thực sự hữu ích đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy của Viện, cũng như góp phần nâng cao uy tín của Viện ở Việt Nam và trên thế giới(5).

Tóm lại, kinh nghiệm đào tạo thời gian qua giúp Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành đơn vị giảng dạy hàng đầu cả nước về ngành Tôn giáo học và chuyên ngành Công tác tôn giáo trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về tư vấn chính sách tôn giáo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo của đất nước trong tình hình mới.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(1) Xem: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: 10 năm một chặng đường (1991-2001), Hà Nội, 2002.

(2) Xem: Lê Tâm Đắc, Tôn giáo học phải chăng là một chuyên ngành của Triết học (qua thực tế đào tạo sau đại học ở Việt Nam hiện nay), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2-2009.

(3) Xem: Lê Tâm Đắc, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng: 20 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2015.

(4) Xem: Giới thiệu Bộ môn Tôn giáo học, http://ussh.vnu.edu.vn. 

Về lịch sử ngành Tôn giáo học và giảng dạy Tôn giáo học trên thế giới và ở Việt Nam, xem thêm: PGS, TS Nguyễn Hồng Dương (chủ biên), Tôn giáo học và giảng dạy Tôn giáo học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.

(5) Về những đánh giá tích cực của Viện Liên kết Toàn cầu và Trường Đại học Brigham Young (Hoa Kỳ) trong việc tổ chức thành công hai khóa trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về tôn giáo và pháp quyền năm 2018 và năm 2019, cũng như vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, xin xem video clip “Vietnam: A Success Story”, https://globalengage.org/programs/vietnam.

 

                                               Nguồn :  TS Lê Tâm Đắc     

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


1 nhận xét: