Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đồng thời, xác định mình là một thành viên có trách nhiệm với phong trào cộng sản quốc tế, luôn sẵn sàng hợp tác, phối hợp với tất cả các đảng cộng sản, các phong trào tiến bộ xã hội trên thế giới, cùng đấu tranh vì mục tiêu chung của thời đại.
Tuy ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, hình thức và đặc điểm của trách nhiệm đó thể hiện ở những mức độ khác nhau, song, sự đoàn kết, hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em, thủy chung trước sau như một với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, phong trào tiến bộ xã hội luôn nhất quán xuyên suốt trong quá trình cách mạng Việt Nam từ trước đến nay, và được xác định như một nguyên tắc cốt yếu trên mặt trận đối ngoại của Đảng.
1. Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cộng sản quốc tế
Là một thành viên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta luôn nhất quán trong quan điểm, đường lối và có những hành động tích cực, cụ thể, góp phần hiệu quả vào việc tăng cường đoàn kết của phong trào trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, không ngừng tăng cường sự hợp tác giữa các đảng anh em trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trước đây, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô chưa tan rã, Đảng ta quan hệ chủ yếu với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả theo khuynh hướng giải phóng dân tộc; ưu tiên cao nhất là quan hệ với Đảng Cộng sản ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa như: Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Cam-pu-chia và các đảng cộng sản, công nhân cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa là thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).
Sau Chiến tranh lạnh, sớm nhận thức được tính tất yếu của xu thế toàn cầu hóa, ngay từ Đại hội VII (năm 1991), bên cạnh việc tiếp tục ủng hộ và tăng cường đoàn kết, hợp tác với các đảng cộng sản và công nhân ở các nước bạn bè truyền thống, các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Đảng ta đã chủ động, tích cực mở rộng hoạt động đối ngoại, "sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các đảng xã hội - dân chủ, các phong trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới" (1). Cùng với việc không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn nêu cao ý thức trách nhiệm phải thường xuyên đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong khi mở rộng hoạt động đối ngoại, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, "chúng ta vẫn thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào độc lập dân tộc, phong trào không liên kết, với các lực lượng hòa bình tiến bộ khác trên thế giới" (2).
Nghị quyết Đại hội VII của Đảng nhấn mạnh: "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" (3), đến Hội nghị Trung ương 3 khóa VII, Đảng ta đã cụ thể hơn trong công tác đối ngoại bằng việc sẵn sàng "mở rộng quan hệ với các nước tư bản phát triển, với các nước khác và các tổ chức quốc tế" (4). Đồng thời Đảng cũng xác định: "Phát triển kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ quốc tế là tất yếu cần thiết" (5). Lúc này, mục tiêu "hoà bình và phát triển" trở thành "chuẩn mực trong hoạt động quốc tế" của Việt Nam, và, những chuẩn mực này phục vụ lợi ích cao nhất của dân tộc ta hiện nay là "nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, giữ vững và tăng cường ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập và tự do của Tổ quốc. Lợi ích đó phù hợp với lợi ích độc lập dân tộc và tiến bộ của nhân dân các nước trên thế giới" (6). Theo đó, công tác đối ngoại phải phục vụ lợi ích đó của dân tộc; đấy cũng là cách tốt nhất để Việt Nam thực hiện chủ nghĩa quốc tế theo khả năng thực tế của mình và phù hợp với sự chuyển biến của tình hình thế giới. Nghị quyết của Hội nghị này còn xác định: "tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng ta có quan hệ". Một trong bốn phương châm xử lý các mối quan hệ đối ngoại là "Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng". Như vậy, cho dù hoàn cảnh thay đổi, đòi hỏi phải có phương thức, đối sách phù hợp, song Đảng ta lúc nào cũng thể hiện tinh thần quốc tế vô sản cao cả, trước sau như một, đều xác định lợi ích dân tộc bao giờ cũng phải hài hòa với lợi ích của nhân loại yêu chuộng hòa bình thế giới; luôn luôn vì lợi ích chung của phong trào cộng sản quốc tế.
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển từ Đại hội VII, bên cạnh việc tăng cường hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, sợi chỉ đỏ xuyên suốt các kỳ Đại hội VIII (năm 1996), Đại hội IX (năm 2001) và Đại hội X (năm 2006) là: củng cố, phát triển quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, với các đảng cánh tả, các lực lượng cách mạng, độc lập dân tộc và tiến bộ; mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền và các đảng khác (7). Đến Đại hội XI (năm 2011), quan điểm trên của Đảng có sự điều chỉnh, bổ sung là “trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển” (8).
Có thể thấy, từ chỗ chủ yếu chỉ có quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả theo khuynh hướng cách mạng, giải phóng dân tộc, để phát huy hiệu quả hoạt động và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh quốc tế mới, Đảng ta đã mở rộng và phát triển quan hệ với phong trào cộng sản quốc tế ở các mức độ khác nhau, với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những chính đảng khác trên thế giới, không phân biệt quốc gia, châu lục, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tinh thần, ý thức, trách nhiệm cao nhất.
2. Một số đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào cộng sản quốc tế
Sau Chiến tranh lạnh, chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm vào thoái trào, phong trào cộng sản quốc tế mất đi chỗ dựa quan trọng trong việc phối hợp hoạt động chung và tập hợp lực lượng giữa các đảng cộng sản. Trật tự thế giới thay đổi theo hướng bất lợi cho phong trào cộng sản thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Nhiều đảng cộng sản rơi vào tình trạng bế tắc trước việc xác định đường lối chiến lược, sách lược; có những đảng bị phân hóa hoặc tê liệt về tổ chức; một số đảng đã để mất chính quyền; có những đảng tự giải thể hoặc đứng trước nguy cơ tan rã, thậm chí trở thành đảng đối lập,... Lúc này, phong trào cộng sản quốc tế hoạt động trong những điều kiện hết sức khó khăn và đứng trước nhiều vấn đề nan giải cả về lý luận và thực tiễn.
Trong bối cảnh đó, mặc dù cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sự nghiệp cách mạng ở nhiều thời điểm gặp muôn vàn gập ghềnh, gian nan, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu chủ nghĩa xã hội, vượt lên trên những thử thách của thời cuộc, tiếp tục trụ vững và lãnh đạo nhân dân, đưa cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua sóng gió, vững bước trên con đường đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn. Điều này đã khẳng định được xu thế phát triển hợp quy luật của Việt Nam trong thời đại ngày nay, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của các đảng cộng sản trên thế giới. Đây là một thành công nổi bật của Đảng ta, được các đảng cộng sản trên thế giới thừa nhận và coi đó là một đóng góp không nhỏ đối với phong trào cộng sản quốc tế trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng sau Chiến tranh lạnh.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển theo phương châm "Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng" từ Đại hội VII, hơn hai thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng mở rộng các mối quan hệ quốc tế với các chính đảng ở các nước, tích cực tham gia nhiều diễn đàn đa phương chính đảng và có những đóng góp ý kiến tại các cuộc gặp gỡ quốc tế thường niên giữa các đảng cộng sản quốc tế, các diễn đàn, hoặc các cuộc hội thảo khoa học quốc tế,... của các lực lượng cánh tả Mỹ - La-tinh và thế giới. Quá trình mở rộng quan hệ quốc tế của Đảng ta thể hiện đậm nét qua việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Nghị quyết các Đại hội Đảng. Đặc biệt, trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, với tinh thần trách nhiệm rất cao, Đảng ta đã giao nhiệm vụ cho Ban Đối ngoại Trung ương thường xuyên "nghiên cứu đề xuất hình thức trao đổi với các Đảng Cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội" (9),... Thông qua các hình thức này, Đảng ta tỏ rõ quan điểm, lập trường đối với nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra trước phong trào cộng sản quốc tế và lực lượng cánh tả thế giới thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.
Cùng với những vấn đề lý luận mang tính phổ biến, việc Đảng ta triển khai nghiên cứu và làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận mang tính đặc thù đặt ra đối với cách mạng Việt Nam như: về thời kỳ quá độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước có xuất phát điểm thấp như Việt Nam; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng ta đối với công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm hữu nghị và hợp tác,... là những đóng góp rất đáng ghi nhận, được phong trào cộng sản quốc tế đánh giá là một trong những kinh nghiệm quý báu mà các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới có thể tham khảo, vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước mình. Điều này còn được minh chứng bằng việc số lượng đại biểu của các đảng cộng sản tham dự ngày càng tăng ở các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Đại hội VII (năm 1991) đến Đại hội XI (năm 2011).
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết anh em với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh; với Phong trào không liên kết; với các lực lượng cách mạng, độc lập dân tộc và tiến bộ; mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền và các đảng khác. Việc tham dự và đóng góp ý kiến của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại các đại hội của đảng cộng sản và công nhân ở nhiều nước khác, cũng là một biểu hiện cụ thể tinh thần chủ nghĩa quốc tế và trách nhiệm của Đảng ta - với tư cách là một thành viên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong giai đoạn hiện nay.
Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển lý luận, trước hết là lý luận Mác - Lê-nin. Bên cạnh đó, Đảng ta còn tập trung làm rõ nhiều vấn đề lý luận mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra như: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định đúng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế; mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá,... Từ đó, xây dựng đường lối chiến lược, sách lược cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thích ứng với sự biến đổi của tình hình thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong đổi mới tư duy lý luận, Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương đúng đắn phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là quan niệm về 6 đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, mang tính đột phá. Mặt khác, Đảng ta xác định rõ, trong điều kiện còn những hạn chế về tiền đề kinh tế, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta tất yếu "phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ" (10). Mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, được Đảng ta diễn đạt trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Đây cũng là sự bổ sung, không ngừng làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lê-nin.
Có thể thấy, quá trình mở rộng các mối quan hệ quốc tế của Đảng ta trong những năm đổi mới thể hiện rõ vị thế của Đảng ta là một đảng cộng sản cầm quyền, luôn vì lợi ích của đất nước. Với vị thế đó, một mặt, Đảng ta tăng cường quan hệ truyền thống với các đảng cộng sản và công nhân là các đảng cùng chung ý thức hệ; mặt khác, Đảng ta cũng mở rộng quan hệ với các chính đảng khác trên thế giới, không để ý thức hệ trở thành rào cản trong quan hệ với các đảng theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, nhất là với các đảng cầm quyền, các đảng có ghế trong Quốc hội/Nghị viện các nước là các đảng có nhiều ảnh hưởng chính trị đến quan hệ của các nước với Việt Nam. Đến nay, Đảng ta có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 206 đảng, ở 114 nước. Trong đó có 94 đảng cộng sản, công nhân, 46 đảng cầm quyền.
Bên cạnh việc mở rộng quan hệ song phương với các chính đảng, Đảng ta đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng, cử đoàn tham dự các cuộc gặp thường niên như: Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ICS), Diễn đàn Xao Pao-lô (SPF), Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và một xã hội mới”, và nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế khác. Đặc biệt, Đảng ta đã chủ động tham gia Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) ngay từ khi Hội nghị mới được thành lập và trở thành thành viên của Ủy ban Thường trực tại Hội nghị toàn thể ICAPP-3 (tháng 9-2004), sau đó tiếp tục được bầu lại tại các kỳ hội nghị tiếp theo với những đóng góp thiết thực đối với các hoạt động của ICAPP. Điều đó cho thấy sự tín nhiệm và đánh giá cao của các đảng chính trị đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam tại diễn đàn này.
Những thông tin do đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu, chia sẻ tại các diễn đàn nói trên đã giúp các đảng bạn hiểu đúng và rõ hơn về đường lối đổi mới và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nhiều đảng đánh giá cao sự phát triển ổn định của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay cũng như thừa nhận và ủng hộ đường lối phát triển kinh tế thị trường định trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; coi đó là một đóng góp quý báu cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, góp phần khẳng định và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong bối cảnh của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nhiều đảng cộng sản, đảng cánh tả mong muốn và đề nghị Đảng ta tăng cường các cuộc trao đổi song phương, cung cấp thông tin, tài liệu về thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tìm hiểu kinh nghiệm đối ngoại của Việt Nam trong các vấn đề lớn của đất nước; đề nghị Việt Nam sớm đăng cai tổ chức cuộc gặp các đảng; mong muốn được trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn giữa hai đảng; vận động Việt Nam ủng hộ mình trên các diễn đàn khu vực và quốc tế khác,...
Tuy điều kiện của mỗi nước, mỗi đảng cộng sản là không giống nhau, song những kết quả của sự tìm tòi, nghiên cứu lý luận và bài học rút ra từ thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam là những kinh nghiệm quý mà các đảng cộng sản có thể tham khảo hữu ích trong quá trình xây dựng đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình. Đây được xem là một đóng góp đáng trân trọng vào kho tàng lý luận và tăng cường sức sống của chủ nghĩa xã hội, đồng thời, điều này còn có tác động không nhỏ đối với phong trào cộng sản quốc tế trong khúc quanh đầy biến cố phức tạp của phong trào thời kỳ sau Chiến tranh lạnh và trong bối cảnh trật tự thế giới đa cực hiện nay./.
ST.
Đảng ta thật vĩ đại
Trả lờiXóa