Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực - những chỉ dẫn của V. I. Lê-nin và giá trị thực tiễn hiện nay

Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong điều kiện lịch sử mới, V. I. Lê-nin đã có những đóng góp to lớn khi biến lý luận Chủ nghĩa Mác trở thành hiện thực sinh động bằng việc tổ chức xây dựng Đảng Bôn-sê-vich Nga và Nhà nước Xô-viết công - nông. Đó cũng là quá trình V. I. Lê-nin có những chỉ dẫn đặc biệt quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực.

Đây là điểm đặc sắc trong tư tưởng V. I. Lê-nin về xây dựng đảng và nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản - tư tưởng có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”, là tư tưởng nhất quán của V. I. Lê-nin trong thực tiễn chỉ đạo, tổ chức xây dựng Đảng, Nhà nước Xô-viết ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Thực tế thì các hiện tượng tiêu cực luôn là một “nguy cơ tiềm ẩn”, một “ẩn họa” thường xuyên đe dọa các nhà nước cầm quyền, các chính đảng lãnh đạo, là yếu tố nội tại bên trong trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Với vai trò “tổng công trình sư” của Nhà nước Xô-viết, hơn ai hết V. I. Lê-nin nhận rõ điều đó. Vì vậy, Người luôn cảnh báo và thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực để làm trong sạch nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền. Điều này thể hiện khá rõ thông qua những bài nói, bài viết của V. I. Lê-nin. Trước hết, V. I. Lê-nin nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc đấu tranh chống tiêu cực, đó là cơ sở quan trọng đầu tiên để Đảng và Nhà nước giữ vững được vai trò lãnh đạo, tổ chức, quản lý xã hội trong điều kiện bước đầu xây dựng Nhà nước Xô-viết non trẻ.

Để đấu tranh chống tiêu cực có hiệu quả, việc đầu tiên đặt ra với mọi người đó là phải nhận biết được các hiện tượng tiêu cực. Bằng thực tiễn trải nghiệm qua phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, cùng với nhãn quan chính trị thiên tài của mình, V. I. Lê-nin đã chỉ dẫn những cơ sở để giúp chúng ta phân định chính xác giữa khuyết điểm với tiêu cực.

Theo V. I. Lê-nin, trong quá trình hoạt động thực tiễn, đặc biệt là trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước Xô-viết - nhà nước cách mạng kiểu mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, mọi người đều có thể có khuyết điểm, hạn chế bởi đó là một quá trình khó khăn, phức tạp, vừa tiến hành xây dựng vừa rút kinh nghiệm từng bước. Song về bản chất, đó là những khuyết điểm, hạn chế có nguyên nhân từ nhận thức. Chỉ có những người thoái hóa, biến chất, những cá nhân suy thoái về phẩm chất đạo đức mới gây nên những tệ nạn tiêu cực trong Đảng và Nhà nước. Những khuyết điểm do nhận thức có thể khắc phục, sửa chữa dần dần cùng với công tác giáo dục, còn những hiện tượng tiêu cực thì cần phải đấu tranh lên án, phê phán và loại bỏ với thái độ kiên quyết, quyết liệt bởi chính những tệ nạn tiêu cực đó sẽ như một thứ “vi rút” nguy hiểm, sẽ nhanh chóng lây lan từ một người sang nhiều người, từ một cơ quan, tổ chức sang nhiều cơ quan, tổ chức,... Hệ quả tất yếu là làm suy thoái đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân; làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

Ngay từ năm 1918, V. I. Lê-nin đã chỉ rõ hàng loạt những hiện tượng tiêu cực đe dọa sự trong sạch của Đảng và Nhà nước Xô-viết. Đó là tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí (lãng phí thời gian, lãng phí tiền của), hối lộ, đút lót,... gắn với “những kẻ bất tài hoặc vô lương tâm trong số các thủ trưởng, chúng không phải không mong muốn trở thành những "ngôi sao" trong nghề ăn cắp của công” (1), trong đó nguy hiểm nhất là tình trạng quan liêu, cửa quyền cùng những biểu hiện phức tạp của nó,... Bên cạnh những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tiêu cực thì cũng cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực bằng chính tinh thần tiền phong của người đảng viên và trách nhiệm của người cán bộ.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, V. I. Lê-nin yêu cầu thường xuyên nêu cao trách nhiệm của mọi đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống lại và khắc phục những hiện tượng tiêu cực; kiên quyết đuổi ra khỏi Đảng không chỉ những kẻ gian sảo, thoái hóa biến chất mà cả những kẻ thiếu năng lực không làm được việc. Phải thực hiện triệt để điều này mới có thể nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trong xây dựng Nhà nước, Người cũng nhấn mạnh, kiên quyết đấu tranh chống mọi hiện tượng tiêu cực trong bộ máy chính quyền là tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, luôn luôn được quần chúng nhân dân tín nhiệm, ủng hộ.

Không dừng lại ở những bài nói, bài viết, V. I. Lê-nin còn thường xuyên có những chỉ dẫn kiên quyết đối với cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đảng và nhà nước. Tháng 5-1918, trước việc tòa án nhân dân Mát-xcơ-va xử nhẹ một vụ án đút lót, hối lộ, V. I. Lê-nin đã chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm theo tinh thần “đúng người, đúng tội”. V. I. Lê-nin không nhất trí với cách xử lý mà Người gọi là “pha trò, mềm mỏng” của cơ quan này. Người khẳng định: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng” (2). Tiếp đó, trong khi rút kinh nghiệm vụ án, V. I. Lê-nin đã trực tiếp yêu cầu các cán bộ tư pháp “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác), ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai” (3).

Nghiên cứu những chỉ dẫn của V. I. Lê-nin, để chống lại và khắc phục các tệ nạn tiêu cực trong đảng và nhà nước, vấn đề quan trọng là cần tìm hiểu, phân tích, xác định đúng nguyên nhân của những tệ nạn tiêu cực đó. Thực tế cho thấy, những hiện tượng tiêu cực có thể là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân chủ quan, có thể do nguyên nhân tư tưởng ý thức, do nguyên nhân tổ chức hoặc do những tác động của các yếu tố kinh tế, vật chất,... Vì vậy, muốn giải quyết dứt điểm tệ nạn tiêu cực, đòi hỏi chúng ta phải chủ động thực hiện đồng thời, tổng hợp nhiều biện pháp đồng bộ với tinh thần đấu tranh kiên quyết. V. I. Lê-nin yêu cầu, “tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực, hãy chi tiêu tiết kiệm, đừng lười biếng, đừng tham ô, hãy triệt để tuân theo kỷ luật lao động” (4); đảng viên, công chức không được lười biếng, không ăn cắp của chung làm của riêng... Đó là “khẩu hiệu chủ yếu trước mắt” của mọi cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ, để đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đảng và nhà nước “chỉ có cách là tổ chức nhau lại, tăng cường kỷ luật trong bản thân chúng ta, quét sạch ra khỏi hàng ngũ chúng ta tất cả những kẻ lười biếng, ăn bám, ăn cắp của công” (5).

Trong đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực, theo chỉ dẫn của V. I. Lê-nin, cần nhấn mạnh và đề cao yếu tố nêu gương: Cấp trên làm gương cho cấp dưới, cơ quan trung ương làm gương cho cơ quan địa phương,... Từ đó, tạo sức mạnh thống nhất, đồng thuận để có thể đấu tranh có hiệu quả, loại bỏ những hiện tượng tiêu cực trong nội bộ đảng và nhà nước.

Xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực là nội dung quan trọng trong kho tàng tư tưởng lý luận vô giá mà V. I. Lê-nin đã để lại cho phong trào vô sản quốc tế. Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, đây là “hạt nhân cốt lõi” góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp Nhà nước Xô-viết non trẻ đập tan âm mưu phản loạn của các thế lực cơ hội, phản động bên trong, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của 14 nước đế quốc Âu - Mỹ, bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Mười lịch sử.

Những nội dung chỉ dẫn của V. I. Lê-nin về xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta hiện nay. Nhìn lại quá trình đổi mới gần 30 năm qua, những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được đã tạo cho đất nước thế và lực mới, kinh tế - xã hội đất nước có những thay đổi đáng kể, đời sống của nhân dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, vận hội mới thì nước ta vẫn đang đối diện với không ít nguy cơ, thách thức lớn đan xen nhau.

Như Đại hội XI của Đảng đã khẳng định, “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng” (5). Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng nhấn mạnh “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng” (6). Những hiện tượng tiêu cực trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, là những mầm mống đe dọa sự đồng thuận xã hội, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Quán triệt và vận dụng những chỉ dẫn của V. I. Lê-nin về xây dựng đảng và nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực ở nước ta hiện nay là một trong những đòi hỏi mang tính cấp bách để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả với các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và Nhà nước. Phải xác định đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và Nhà nước là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Muốn thực hiện có chất lượng và hiệu quả cần tập trung triển khai một cách nghiêm túc từ Trung ương đến cơ sở. Những chỉ dẫn của V. I. Lê-nin, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch gắn với đấu tranh chống tiêu cực là nhân tố quan trọng để chúng ta củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới./.

ST.

1 nhận xét: