"Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi..."-Lời bài hát “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hơn 60 năm qua đã vang lên hùng tráng, tự hào trong những chặng đường hành quân của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Ít người biết, bài hát được sáng tác rất nhanh, chỉ khoảng một giờ đồng hồ, khi tác giả Đỗ Nhuận hành quân cùng bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Từ trước Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã ấp ủ ý định sáng tác một bài hành khúc cho chiến sĩ vừa hành quân vừa hát. Nhưng dự định mãi vẫn chưa viết ra được. Trong một khóa học chính trị, được gặp Bác, Đỗ Nhuận bày tỏ băn khoăn với Bác về việc sáng tác hành khúc. Bác khuyên: “Theo Bác thì chú cứ sáng tác thế nào cho đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thích là được”.
Câu nói giản dị của Bác đã có sức gợi mở lớn đối với Đỗ Nhuận. Một lần, ông cùng Đại đội 267, Tiểu đoàn 54 (nay là Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102) hành quân lên Điện Biên Phủ. Lúc đó, không ai biết mình có vinh dự được tham gia Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Bộ đội hành quân mà không biết sẽ tập kết ở đâu. Họ cùng nhau bàn luận, phán đoán ý đồ tác chiến của cấp trên. Bỗng một người trong tốp nói: "Thôi, khỏi cần biết, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Thế là câu nói tình cờ ấy trở thành tứ thơ để Đỗ Nhuận phát triển thành ca từ bài “Hành quân xa”. Và bài hành khúc nổi tiếng đã tập trung và làm nổi rõ chủ đề tư tưởng "đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Có thể nói đây là một sáng tác mẫu mực cho thể hành khúc. Bài hát được viết ở thể một đoạn gồm bốn câu nhạc rất cân đối, vuông vức. Âm vực toàn bài được khống chế trong vòng một quãng 8 là quãng lý tưởng đối với quảng đại quần chúng vì dễ hát. Tuy vậy, do cách sắp đặt các vòng hòa âm và giai điệu có sự biến động ít nhiều về tiết tấu mà bài hát giản dị nhưng vẫn phong phú về màu sắc, không bị đơn điệu.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh năm 1922, quê ở Cẩm Bình, Hải Dương. Ông là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Ca khúc đầu tiên ông sáng tác là "Trưng Vương". Sau Cách mạng Tháng Tám, ngay khi Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) ông đã viết ca khúc "Tiếng súng Nam Bộ". Ca khúc "Đoàn lữ nhạc" của ông cũng được phổ biến rộng rãi trên cả nước. Bên cạnh ca khúc “Hành quân xa”, ông còn có nhiều bài hát nổi tiếng về Chiến thắng Điện Biên Phủ như: “Giải phóng Điện Biên”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Tây Bắc”.../.
ST
có giặc là ta cứ đi
Trả lờiXóa