Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên đang làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Trong đó, suy thoái về tư tưởng chính trị là cực kỳ nguy hiểm trong mối quan hệ với suy thoái đạo đức, lối sống bởi nó liên quan đến trái tim, khối óc của mỗi cán bộ đảng viên.
Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” khẳng định: “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” là một trong ba nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Bài viết này xin tập trung bàn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, nhận diện những biểu hiện, xem xét những nguyên nhân của nó.
Biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, đồng thuận cùng toàn dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là mục tiêu nhân văn cao cả của Đảng. Mỗi người, khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng đều xác định đó là lý tưởng chính trị của mình, nguyện suốt đời hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng đó, “đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng”(1). Tư tưởng chính trị của mỗi cán bộ đảng viên là niềm tin, là nhận thức khoa học về mục tiêu và con đường thực hiện mục tiêu mà Đảng đề ra. Nó là ánh sáng, định hướng, dẫn dắt mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình phấn đấu, cống hiến của mình.
Thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị? Đó là sự phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào mục tiêu, con đường mà Đảng ta đã lựa chọn; nghi ngờ vai trò cũng như năng lực lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Suy thoái về tư tưởng chính trị còn là việc không chịu rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, không sát thực tiễn nên giáo điều, rập khuôn, máy móc. Là người lãnh đạo như thế sẽ có nguy cơ đề ra những chủ trương, chính sách không sát với thực tế hoặc có những “lỗ hổng”, dễ bị lợi dụng, làm biến dạng bản chất tốt đẹp trong các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra. Thuật ngữ “suy thoái” thể hiện tình trạng sa sút một cách từ từ, theo một xu thế hướng đến tiêu cực.
Trong thực tiễn, suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện ra ở nhiều cấp độ:
- Sự dao động về lập trường quan điểm, nhất là trước những vấn đề mang tính nguyên tắc, dẫn đến suy giảm tinh thần đấu tranh, né tránh, cơ hội; thấy biểu hiện công kích Đảng và Nhà nước không dám đấu tranh, thậm chí đây đó còn a dua phụ họa.
- Sự hoài nghi về lý tưởng cộng sản, về con đường đi lên CNXH, hoài nghi về các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhìn nhận mọi nỗ lực cải cách của Đảng, của Nhà nước với góc nhìn bi quan, không tin tưởng.
- Nhận thức lại, một số còn có biểu hiện của sự “sám hối” về lý tưởng, về con đường đã lựa chọn. Một số cán bộ từng giữ những trọng trách nhất định trong bộ máy của Đảng và Nhà nước khi nghỉ chế độ, thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bắt đầu phát biểu, viết bài, hồi ký,... thể hiện quan điểm nhận thức lại, xa, gần phê phán, công kích chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong quá khứ cũng như hiện tại. Ở đây, suy thoái về tư tưởng chính trị đã đi tới mức biến những đảng viên, đồng chí năm xưa của chúng ta trở thành lực lượng đối lập với Đảng trên lĩnh vực tư tưởng (Tất nhiên, dư luận xã hội cũng khá rõ ràng khi đặt câu hỏi, sao khi còn giữ chức nọ, quyền kia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước không thấy ông, bà ý kiến gì?!).
Suy thoái về tư tưởng chính trị không kém phần nguy hiểm trong mối quan hệ với sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Nó tấn công vào con tim, khối óc và định hướng cho hành động của mỗi người. Nếu mỗi đảng viên thờ ơ với sự nghiệp, vai trò và uy tín của Đảng thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bị suy giảm và hậu quả sẽ cực kỳ nguy hiểm. Đảng Cộng sản Liên Xô với hàng chục triệu đảng viên tan rã trong một ngày mà không có sự kháng cự đáng kể nào có nguyên nhân cơ bản và chủ yếu từ sự thờ ơ của mỗi đảng viên đối với số phận và sự nghiệp của Đảng. Bài học đó hẳn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày nay.
Nguyên nhân
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị là một quá trình, có nguyên nhân chủ quan từ phía mỗi cán bộ, đảng viên. Dưới tác động của cơ chế thị trường, tâm lý chạy theo lợi ích, vinh hoa, phú quý, đặc quyền, đặc lợi đã làm mờ lý tưởng của một bộ phận cán bộ đảng viên; lơ là việc trau dồi lý luận, rèn giũa bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng,... Nguyên nhân quan trọng là sự duy trì nghiêm minh nguyên tắc xây dựng Đảng, công tác tổ chức của bản thân các cấp ủy đảng và công tác lý luận của Đảng.
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu lý luận của Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu. Rõ ràng, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường là một quyết sách chiến lược của Đảng. Chúng ta xây dựng mô hình CNXH chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Trong hoàn cảnh đó, đáng lẽ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận phải nhanh chóng có câu trả lời về những nét đặc trưng, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và thực tiễn phương thức vận hành của thời kỳ quá độ mà đất nước đang trải qua. Tuy nhiên, giới lý luận tỏ ra lúng túng, đúng như nhận định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X): “Công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra; chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học lý luận chưa cao; lý luận chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”(2). Đến nay, qua hơn hai mươi lăm năm đổi mới, nhiều vấn đề lý luận cơ bản vẫn chưa được làm sáng tỏ để xác lập cơ chế một cách khoa học, thích hợp như vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu đất đai, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác,...
Hệ quả của sự lúng túng về lý luận thể hiện trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình chưa có tiền lệ trong lịch sử. Một số chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu một cách thật sự thấu đáo, làm theo cách “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, sai lầm, vấp váp là không tránh khỏi. Sự lúng túng, hạn chế, khuyết điểm trong việc tổ chức xây dựng cơ chế, phương thức hoạt động của tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường dẫn tới tâm lý hoang mang, dao động là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên.
Công tác giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên vốn có tầm quan trọng đặc biệt đối với tư tưởng chính trị của mỗi đảng viên nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nếu giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên có hiệu quả sẽ góp phần vào việc trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Học tập lý luận có hiệu quả mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, thực hiện tốt công việc Đảng giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên. Người viết: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”(3) và “... mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”(4). Trong thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn tình trạng nhiều bài giảng, công trình nghiên cứu mang nặng tính lý luận suông, giáo điều, sách vở, thiếu tính khả thi trước yêu cầu thực tiễn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đánh giá: “Chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu của xã hội”(5). Trong khi công tác giảng dạy lý luận chính trị còn chưa đáp ứng được yêu cầu thì thời lượng dành cho các môn lý luận trong các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các chương trình đào tạo đại học lại bị cắt giảm. Chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các ngạch đang có xu hướng cắt giảm dung lượng bài giảng lý luận, nhường chỗ cho các phần học kỹ năng với quan điểm rằng lý luận cán bộ được học ở lớp này, khóa kia trong cuộc đời cán bộ nhiều rồi, nên tập trung cho việc bồi dưỡng kỹ năng thiết thực cho công việc hơn(?).
Trong chương trình đào tạo đại học, ngay cả đối với các chuyên ngành khoa học xã hội, các môn lý luận như triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học cũng bị cắt giảm về thời lượng, gộp các môn lại thành một môn chung là môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Việc bổ sung giảng viên các môn lý luận chính trị cho đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng ngày càng gặp khó khăn. Vì vậy, chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị rất hạn chế. Sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản trong giáo trình đã được xem như đạt yêu cầu, chẳng mấy ai quan tâm tìm đọc các tác phẩm kinh điển.
Công tác đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng còn nhiều bất cập, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế, với sự phát triển mạnh mẽ, mang tính phổ cập của các phương tiện thông tin và truyền thông. Các thế lực thù địch luôn biết cách vận dụng, sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông (cả về phương diện lý luận và phương diện kỹ thuật) vào mục đích bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ Đảng với nhân dân, hạ thấp uy tín của Đảng. Trong khi đó, với bộ máy phát thanh, truyền hình phủ sóng toàn quốc, với hàng trăm tờ báo, tạp chí và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên nhưng chúng ta vẫn thụ động trong công tác đấu tranh phản tuyên truyền, cách thức và biện pháp ít đổi mới, hiệu quả và sức thuyết phục hạn chế. Vì vậy, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng điện tử “chiếm lĩnh” diễn đàn, tấn công vào con tim, khối óc cán bộ và nhân dân bằng các thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật, bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Vấn đề nghiêm trọng đến mức ngày 12-9-2012, Văn phòng Chính phủ đã phát công văn số 7169/VPCP-NC yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị còn có nguyên nhân từ việc chấp hành Điều lệ Đảng không nghiêm, nhất là trong sinh hoạt đảng. Trên thực tế, có những chi bộ không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sinh hoạt đảng, vài tháng mới họp chi bộ, đổ lỗi cho các lý do bận rộn công việc chuyên môn. Nội dung sinh hoạt lúng túng, không phân biệt họp chuyên môn với sinh hoạt đảng, để công việc chuyên môn lấn át công tác đảng. Trong sinh hoạt đảng, nội dung chính trị tư tưởng bị xem nhẹ.
Công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phát triển đảng cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét, rút kinh nghiệm. Phát triển đảng là nhiệm vụ quan trọng nhưng không nhất thiết vì mục tiêu số lượng mà xem nhẹ vấn đề chất lượng. Theo quy định, quần chúng ưu tú được tổ chức giới thiệu tham gia khóa học lý luận nhận thức về Đảng, đảng viên mới kết nạp tham gia khóa bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới. Tuy nhiên, không ít lớp tổ chức một cách hình thức, kiểm tra, sát hạch không nghiêm nên có những đảng viên mới mặc dù đã có chứng chỉ công nhận đã qua lớp này, lớp kia nhưng không trả lời mạch lạc được câu hỏi về động cơ vào Đảng. Với những đảng viên như vậy thì sự dao động về lập trường tư tưởng có lẽ chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Nhận diện những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, phân tích các nguyên nhân gây nên tình trạng đó nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi là cần thiết, góp phần cùng toàn Đảng thiết thực thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI )- một nghị quyết được toàn dân mong đợi như khâu đột phá trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng trên tinh thần phê bình và tự phê bình xem xét, đánh giá lại mình một cách thẳng thắn, nghiêm túc để có kế hoạch khắc phục, vượt qua, rèn dũa bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của mình./.
ST.
Căn bệnh suy thoái là căn bệnh phải được phát hiện và điều trị từ sớm; nếu phát hiện muộn sẽ không điều trị được
Trả lờiXóa