Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khóa XI) xác định tự phê bình, phê bình là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu. “Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”[1]. Để nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết, từng cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt phải thực sự thật thà tự phê bình và phê bình.
1. Vì sao phải thật thà tự phê bình, phê bình
Thật thà là một đức tính thể hiện phẩm chất, nhân cách của mỗi con người, là bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo, không giấu giếm, không tham lam, nói đúng suy nghĩ, không nghĩ một đường, nói một nẻo. Tự phê bình, phê bình là tự mình nêu ra, phân tích, đánh giá ưu khuyết điểm của mình hoặc của người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu”. Cần biết tính tốt, tính xấu của mình là nhu cầu thường xuyên của mỗi người. Mục đích của tự phê bình, phê bình là chỉ ra đúng “bệnh” để sửa chữa, để tiến bộ cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cho nên tự phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, phải triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt mới có kết quả. “Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”[2]. “Tự phê bình phải thật thà. Tự phê bình cũng ví như người ốm yếu nói rõ chứng bệnh của mình với thầy thuốc. Nếu giấu bệnh thì thầy thuốc không biết bệnh mà cho thuốc. Cho nên có gì phải nói cho hết, giấu giếm là khuyết điểm”[3].
Thật thà với chính mình, thật thà với người khác phải trở thành nét văn hóa chủ đạo trong nhận thức và hành vi tự phê bình, phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu không thật thà tự phê bình, mỗi người sẽ không bao giờ thấy hết những khuyết điểm, hạn chế của mình, kể cả khi được người khác phê bình mình hoặc phê bình người khác. Nếu phê bình người khác mà không dựa trên động cơ thật thà, trong sáng, không dựa trên cơ sở đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ thì sẽ dẫn đến “đâm thọc, mỉa mai, bé xé ra to”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”[4]. Bởi vậy, muốn tự phê bình, phê bình thực sự đem lại tác dụng, mỗi người phải thực sự thật thà cả trong suy nghĩ và hành động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thật thà tự phê bình chẳng những giúp cho mình tiến bộ mà còn giúp cho người khác biết để mà tránh. Một thí dụ: Đảng ta có mấy chục vạn đảng viên. Nếu đồng chí A phạm một điều sai lầm, liền thật thà tự phê bình thì các đảng viên khác đều biết mà tránh, không phạm sai lầm ấy nữa. Trái lại, nếu đồng chí A không thật thà tự phê bình, để cho đảng viên khác cũng phạm khuyết điểm ấy, thì cả Đảng cộng lại thành mấy chục vạn khuyết điểm! Như vậy, đồng chí A chẳng những dối mình, mà lại dối Đảng, là có tội với cách mạng, có tội với Đảng, có tội với Tổ quốc với nhân dân”[5].
2. Thật thà tự phê bình, phê bình phải như thế nào?
Trước hết, mỗi người phải thật thà tự kiểm điểm, tự chỉ trích bản thân mình, không tự cao, tự đại, không bao giờ được tự cho mình cái gì cũng hoàn thiện, từ đó không chịu học tập tu dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người có bệnh nói thật thà, người nghe không giúp đỡ người ta sửa chữa, lại có thành kiến cũng là sai. Thấy mình có nhiều bệnh, sợ không sửa chữa được, sinh ra bi quan tiêu cực cũng không đúng. Mình không biết cách sửa chữa thì còn có đồng chí, có bộ đội, có nhân dân bày cách cho mà sửa chữa. Chỉ cần mình quyết tâm sửa chữa là được”[6].
Khi phê bình người khác, mỗi người phải có quan điểm rõ ràng, thẳng thắn, chỉ rõ khuyết điểm của đồng chí mình, nhưng phải có động cơ trong sáng, trên tình nhân ái, thấu tình đạt lý, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Không vì “yêu ai nên tốt, ghét ai nên xấu”, tuyệt đối không phê bình theo kiểu “bới lông, tìm vết” với thái độ “đằng đằng sát khí”, thực hiện ý đồ cá nhân, hạ bệ người khác.
Khi được người khác phê bình mình, phải chân thành, dũng cảm, thật thà nhận rõ khuyết điểm của bản thân theo phương châm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, kiên quyết tìm ra cách thức để sửa chữa nhanh nhất, hữu hiệu nhất. Đây là việc làm không dễ đối với mỗi người, bởi vì trong tâm lý con người, ai nấy đều thích “khen”, mấy ai thích người khác “chê” mình. Người ta hay có lòng tự ái, thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị nhất là những người đang giữ những cương vị lãnh đạo.
Theo Bác: “Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa thì mọi việc đều hỏng.
Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”[7].
Thật thà tự phê bình, phê bình cũng là phải nêu cả ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc chứ không phải phê bình người. Người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm. Người khác phải cố gắng bắt chước. Người được phê bình phải vui lòng tiếp thu để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét người phê bình mình. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ. Mỗi người cần nhớ rằng cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi cho mỗi người, mỗi tổ chức. Ngược lại, cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm lớn, rất có hại.
Thật thà tự phê bình, phê bình cần phải chống thói nể nang và che giấu khuyết điểm, chống biểu hiện trước mặt thì nể, kể lể sau lưng8. Trên thực tế, không ít cán bộ, đảng viên rất sợ phải tự phê bình và bị phê bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi phê bình không nên định kiến: “không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại cho công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng”[9] và “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”[10].
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. “Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa”. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm, “Là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”. Trước hết mỗi người phải thật thà tự phê bình, tự đánh giá những ưu, khuyết điểm của mình trước. Trên cơ sở đó, sẵn sàng tiếp thu người khác phê bình mình với tinh thần cầu thị, mong tiến bộ. Đồng thời tích cực tham gia phê bình người khác với tinh thần cởi mở, chân thành.
3. Làm thế nào để cán bộ, đảng viên thật thà tự phê bình, phê bình
Muốn mọi người thật thà tự phê bình, phê bình, phải có cách thức, phương pháp tổ chức chặt chẽ. “Mỗi người phải đọc kỹ càng các tài liệu, rồi tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, có khuyết điểm gì và ưu điểm gì… Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh. Những kết luận trong cuộc thảo luận phải có cấp trên duyệt y mới là chính thức”[11]. Bác khuyên tự phê bình và phê bình phải biết cách, khôn khéo để đạt hiệu quả cao là cho người có khuyết điểm tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những người hay dùng mệnh lệnh hành chính trong công tác, Bác đưa ra một hình ảnh: “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán”[12]. Như vậy, để mọi người thật thà tự phê bình, phê bình, người tổ chức, người thực hiện phải khéo, đây thực sự là một nghệ thuật tổ chức ứng xử và giao tiếp.
“Nhân vô thập toàn”, khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm, ai không làm việc, mới không có sai lầm, khuyết điểm. Như vậy, chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ không biết, không nhận và không quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. “Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là tất yếu của chủ nghĩa cá nhân”.
Để mọi người tích cực, hăng hái, “Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân…”[13]. Tự phê bình và phê bình phải thể hiện được tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, thẳng thắn, dân chủ, cụ thể và thiết thực, mặt khác phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành, cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, cán bộ lãnh đạo quản lý phải gương mẫu và triệt để thực hành. “Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”. Cần khắc phục tư tưởng và cách làm “nhẹ trên”, “nặng dưới” trong tổ chức tự phê bình, phê bình. Cần “…chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ…”[14]
Vận dụng tư tưởng của Bác về thật thà tự phê bình, phê bình trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), mỗi cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đặc biệt, những Đảng viên càng giữ trọng trách cao càng phải nêu cao tinh thần gương mẫu và triệt để thực hành./.
ST.
bài rất thiết thực
Trả lờiXóa