Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Đổi mới nhận thức về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

 

        Đổi mới nhận thức về chức năng ĐTBD CBCC, chuyển từ “vì mục tiêu quản lý con người” sang “vì công việc và chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ”. ĐTBD không phải chỉ vì để người CBCC đáp ứng những tiêu chuẩn do nhà quản lý đặt ra (dù những tiêu chuẩn đó cũng một phần vì công việc) mà là để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Theo đó, cần tách biệt chức năng “đào tạo” và chức năng “bồi dưỡng” như Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ đã thể hiện. Đào tạo để đội ngũ CBCC có bằng cấp hoặc có bằng cấp cao hơn dành cho CBCC có năng lực cao và theo quy hoạch phát triển nhân lực. Bồi dưỡng là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức và việc tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ là quyền lợi và trách nhiệm của CBCC. Hoạt động bồi dưỡng tập trung vào việc cập nhật kiến thức mới, trang bị kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Và vì vậy, đó thường là những khóa bồi dưỡng ngắn ngày, thực hiện theo phương pháp tích cực, lấy người học và công việc của họ làm trung tâm.

        Chú trọng ĐTBD kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức công vụ đối với CBCC. Đạo đức là yếu tố quyết định mức độ cống hiến của CBCC đối với tổ chức và người dân. Trong thiết kế, xây dựng chương trình, cần phải có các khóa học về đạo đức công vụ được thiết kế riêng hay lồng ghép với các khóa học khác; đa dạng hóa phương pháp bồi dưỡng đạo đức công vụ.

        Giao quyền tự chủ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và sử dụng CBCC để bảo đảm tính chủ động, tính kịp thời, khả năng thích ứng của CBCC trước những thay đổi của nền công vụ. Cơ quan, đơn vị và địa phương sẽ quyết định về nội dung chương trình ĐTBD được xây dựng trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng các kỹ năng thực thi công vụ của CBCC. Ngoài chương trình ĐTBD áp dụng chung, tùy thuộc vào từng Bộ, ngành, địa phương mà các cơ sở ĐTBD của Bộ, ngành, địa phương xây dựng các học phần riêng phù hợp với thực tiễn của cơ quan, địa phương mình.

        Tạo cơ chế và điều kiện để người CBCC được quyền chủ động trong việc lựa chọn các chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu công việc đang đảm nhiệm; đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng dành cho các đối tượng khác nhau. Chương trình bồi dưỡng làm quen với công việc dành cho CBCC mới được tuyển dụng hoặc chuyển công tác sang môi trường công việc mới; Chương trình bồi dưỡng cơ bản để CBCC thích ứng với công tác của mình; Chương trình bồi dưỡng nâng cao bổ sung, giúp CBCC đạt hiệu quả cao nhất trong công việc; Chương trình bồi dưỡng mở rộng tạo điều kiện cho CBCC có thể đảm nhiệm các công việc vượt ra khỏi chức trách, nhiệm vụ thường xuyên của mình, có thể làm những công việc liên quan khi cần thiết; Chương trình bồi dưỡng tiếp tục không chỉ liên quan đến công việc hiện tại của người CBCC, mà còn nâng cao khả năng làm việc của họ trong tương lai.

1 nhận xét: