Những năm qua, tỉnh An Giang triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều dự án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719). Qua đó giúp nâng cao đời sống đồng bào Khmer, diện mạo các vùng nông thôn ngày càng thay đổi.
Thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang được phân bổ nguồn vốn hơn 183 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là gần 167 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Tuy nhiên, năm 2022 nguồn vốn được phân bổ muộn, cùng với đó do còn lúng túng trong quá trình tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình 1719 nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2022 còn thấp.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chau Anne, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: “Trong năm 2023, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn của chương trình, UBND tỉnh An Giang đã thành lập đoàn kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình, dự án trọng điểm. Đến cuối tháng 10-2023, tỉnh An Giang đã triển khai đầu tư 66 công trình cơ sở hạ tầng, trong đó đã hoàn thành 24 công trình ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và An Phú. Có thể nói, nhờ nguồn lực của các dự án thuộc Chương trình 1719 đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là với đồng bào DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn”.
Ông Châu Nao ở ấp Phước Bình (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) cho biết: “Trước đây, tuyến đường vào nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Phước Bình theo thời gian đã xuống cấp, trời mưa đi lại rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của Nhà nước đầu tư làm đường mới, người dân trong ấp rất vui, trong đó nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, góp sức để làm đường. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, con đường mới rộng rãi đã hoàn thành, tạo thuận lợi hơn cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, các cháu nhỏ đến trường cũng dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tỉnh An Giang còn hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đồng bào dân tộc ở các huyện khó khăn. Qua đó, nhiều gia đình đã có cơ hội được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cải thiện đời sống. Đây chính là nguồn động viên rất lớn giúp hộ nghèo có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa thành thị và nông thôn.
Là gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, ông Chau Rưm, ngụ tại ấp An Hòa rất phấn khởi khi gia đình ông được hỗ trợ xây dựng lại ngôi nhà kiên cố theo Dự án 1 của Chương trình 1719 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt). Nhớ lại những tháng ngày vất vả khi phải sống trong căn nhà trống trước, hở sau, ông Chau Rưm tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không có ruộng nương, kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền công nhật làm phụ hồ của tôi, còn vợ tôi làm thuê gặt lúa, thu hoạch đậu phộng. Bao năm qua, vợ chồng, con cái tôi sống trong căn nhà lụp xụp, mỗi khi mùa mưa về thì dột khắp nơi. Công việc vất vả, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, vì thế, chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện làm nhà mới”.
Biết được hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của ông Chau Rưm, năm 2022, các cấp chính quyền tỉnh An Giang đã hỗ trợ gia đình ông 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo người DTTS. Cùng với số tiền 30 triệu đồng mà vợ chồng ông tích cóp được, đến nay, gia đình ông Chau Rưm đã có ngôi nhà kiên cố, khang trang. Giờ đây vợ chồng ông chỉ lo tập trung làm ăn, nuôi dạy con cái để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo kế hoạch tổng thể Chương trình 1719, năm 2023 An Giang sẽ hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư 59 công trình ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn; phấn đấu giảm 3% hộ nghèo đa chiều là đồng bào DTTS. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình 1719. Đặc biệt là thực hiện giải ngân các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá, phân loại về mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm”.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình 1719 ở An Giang. Đây chính là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN
nguồn báo quân đội nhân dân
cần quan tâm đến đồng bào thiểu số
Trả lờiXóa