Trong đơn gửi chính quyền địa phương, ông Lê Xuân Đường viết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi được bình xét thuộc diện hộ nghèo, hiện nay nhận thấy gia đình đã có nhà ở, cuộc sống cũng tiến bộ hơn, tôi làm đơn này xin tình nguyện ra khỏi hộ nghèo để chia sẻ cho các gia đình khó khăn hơn”. Còn đơn của ông La Văn Linh viết: “Hiện nay, gia đình tôi vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của toàn xã, nhưng xét thấy trên địa bàn của bản còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn, nên tôi viết đơn này xin được ra khỏi hộ nghèo”.

Đồng bào Đan Lai nỗ lực xin ra khỏi hộ nghèo
Đại diện Đồn Biên phòng Môn Sơn và chính quyền địa phương đến thăm, tặng quà gia đình ông Lê Xuân Đường (ảnh chụp đầu tháng 11-2023)

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bản Cò Phạt nằm cách trung tâm xã Môn Sơn khoảng 20km đường rừng. Cả bản có 126 hộ dân với 516 nhân khẩu người Đan Lai sinh sống. Đồng bào nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo là 100%. Để đạt được thành quả có những gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo như hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực của các gia đình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn (BĐBP tỉnh Nghệ An) trong việc triển khai Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông). Theo đó, những người chiến sĩ mang quân hàm xanh luôn bám bản để vận động, hướng dẫn bà con Đan Lai cách làm ăn, sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trung tá Nguyễn Sỹ Hà, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Khe Khặng (Đồn Biên phòng Môn Sơn) cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chúng tôi đến từng hộ tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách làm ruộng để cho năng suất cao, vận động đồng bào khai hoang các khu vực đất trống để trồng rừng, trồng ngô, khoai, sắn... cải thiện cuộc sống, hỗ trợ cây, con giống để bà con có nguồn vốn sản xuất. Ngoài ra còn định hướng các gia đình cho con em đi làm ăn tại các công ty để có thêm thu nhập”.

Trở lại với câu chuyện hai gia đình ở bản Cò Phạt xin ra khỏi hộ nghèo, hiện nay, kinh tế của hộ ông La Văn Linh đã từng bước phát triển tốt, ông có trang trại chăn nuôi với 6 con trâu, gần 100 con gà, trồng sắn, ngô, lúa. Còn gia đình ông Lê Xuân Đường cũng có trang trại chăn nuôi 3 con trâu, 7 con bò, ngoài ra còn trồng lúa nước, các con ông cũng đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Hai gia đình xin ra khỏi hộ nghèo vừa qua là tín hiệu rất vui ở địa bàn còn nhiều khó khăn như bản Cò Phạt. Những hộ này sẽ là tấm gương để các gia đình khác noi theo trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng ấm no.

Bài và ảnh: ANH BÁCH

nguồn báo quân đội nhân dân