Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM: MỘT THỜI CHƯA XA

 

Tuổi trẻ Việt Nam đã sống, đã hành động, đã xả thân chiến đấu và cuối cùng đã dành chiến thắng không nhờ cậy ở sức mạnh vật chất đáng kể nào, mà chủ yếu là bằng sức mạnh tinh thần. Đó là những năm tháng nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ thực hiện trên miền Bắc nước ta – những năm 65 – 68 của thế kỷ trước. Thua đau ở miền Nam, Mỹ nguỵ đã tạo nên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để kiếm cớ huy động máy bay công kích miền Bắc vào ngày 5/8/1964 mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại.
Từ đó, chúng liên tục leo thang, mở rộng chiến tranh. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và lần lượt tất cả thành phố, thị xã, khu công nghiệp đông dân cư đều bị giặc Mỹ ném bom. Sau lời hiệu triệu chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ cùng với tuyến đầu, cả hậu phương miền Bắc đã hừng hực khí thế chiến đấu, sẵn sàng “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Văn nghệ luôn là một trận địa, và văn nghệ sĩ luôn là chiến sĩ xung kích trên trận địa ấy. Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch, đội ngũ văn nghệ sĩ lúc này nhanh chóng vào cuộc. Hàng loạt bài hát đã ra đời hừng hực khí thế chiến đấu của các tác giả Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Ngô Sĩ Hiển, Hoàng Vân, Phạm Tuyên mở đầu cho thời kỳ âm nhạc chống Mỹ.
Đó là các bài Thanh niên ba sẵn sàng (Lưu Hữu Phước), Giặc đến nhà ta đánh và Trai anh hùng gái đảm đang (Đỗ Nhuận), Đánh đích đáng (Ngô Sĩ Hiền), Từng bước đi vững chắc (Văn Chung), Phải giết là lũ giặc Mỹ (Trọng Loan)... Hàng trăm bài hát của những nhạc sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng nhất đã rầm rộ ra đời như một bản hoà tấu vĩ đại, tạo nên dàn âm thanh hào sảng, giống như thể loại tranh áp phích, cổ động đã có sức cổ vũ lớn lao tới tất cả mọi người.
Lớn, bé, già, trẻ, mọi ngành, mọi giới đều cuốn vào không khí sôi động, khẩn trương nhất. Lúc này, âm nhạc không có chỗ cho nỉ non, thâm trầm, khai thác đời sống tình cảm riêng tư bởi người ta chỉ hướng tới một tình cảm duy nhất: Yêu quê hương đất nước, căm thù giặc ngoại xâm và quyết chiến quyết thắng.
Thể hành khúc, hình thức hát tập thể với tiết tấu sôi động, khẩn trương, dồn dập, hào sảng đã được tận dụng với hiệu quả tối đa nhất để cuốn mọi tâm hồn vào dòng thác thời cuộc với tình cảm lớn lao đặt lên trên hết: Đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh đội quân chủ lực là bộ đội giải phóng còn có một đội ngũ hùng hậu đã đóng góp công sức lớn lao làm nên chiến thắng năm xưa. Đó là đội thanh niên xung phong mà chủ yếu là đội quân tóc dài – những người đẹp tạm rời xa quê hương, lên đường ra tiền tuyến.
Các chị em đã cáng đáng những công việc: cứu thương, giao liên, mở đường và nhiều việc khác. Không quản khó khăn gian khổ, hi sinh tính mạng, họ đã mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp chung. Chính từ những đội quân tóc dài này, một bản hùng ca đầy lãng mạn đã được cất lên từ chiến trường, trên con đường Trường Sơn mà mỗi tấc đất đều thấm mồ hôi và máu của họ.
Vui tươi, yêu đời, dạt dào niềm lạc quan cách mạng, trong bom đạn, họ luôn cất cao lời ca tiếng hát. Từ đây mà TW đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mới có sáng kiến phát động phong trào Tiếng hát át tiếng bom và rất nhanh chóng, phong trào này được tuổi trẻ cả nước, từ hậu phương ra tiền tuyến hưởng ứng. Đến nay, người ta không còn nhớ rõ ai là người nghĩ ra cụm từ này đặt tên cho phong trào và thời điểm nghĩ là lúc nào. Chỉ biết đó là những ngày tháng nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thực tế là trước khi chính thức phát động, tuổi trẻ trong chiến tranh đã cất tiếng hát rất tự nhiên và át được tiếng bom. Bởi bản chất của tuổi trẻ là sôi nổi, năng động, khát khao chiến thắng và thích xả thân vì lý tưởng cao quý, vì nghĩa lớn. Lý tưởng lúc ấy đối với mọi người Việt Nam nói chung và tuổi trẻ nói riêng chính là điều thiêng liêng mà Bác Hồ đã căn dặn “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tuổi trẻ Việt Nam đã sống, đã hành động, đã xả thân chiến đấu và cuối cùng đã dành chiến thắng không nhờ cậy ở sức mạnh vật chất đáng kể nào, mà chủ yếu là bằng sức mạnh tinh thần. Đó chính là lòng yêu quê hương đất nước, ý thức về độc lập tự do của dân tộc. Và tiếng hát đã là biểu hiện rõ nhất của lý tưởng lạc quan. Chính yếu tố đó đã giúp họ “át tiếng bom”, tức là đè bẹp, chiến thắng được vũ khí tối tân của kẻ thù có sức mạnh vật chất.
Qua đi những ngày đầu tiên sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để bước vào cuộc đương đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc với hàng loạt các bài hát dồn dập, sôi động vừa nhắc ở trên, dần dần đi vào chiều sâu của cuộc kháng chiến, âm nhạc đã có dịp phản ánh, biểu hiện nhiều khía cạnh của tâm hồn người Việt Nam trong chiến tranh.
Bên cạnh những hành khúc, những bài hát tập thể vẫn tiếp tục ra đời, nhiều ca khúc trữ tình dành cho hát đơn ca đã bắt đầu xuất hiện. Tuy vẫn có âm hưởng chung là vui tươi, lạc quan nhưng những ca khúc trữ tình đã đi sâu vào những ngóc ngách tâm hồn con người với nhiều trạng thái phong phú tinh tế. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt mà ở giai đoạn hòa bình sau này khó tìm thấy lại.
Và cũng do đó mà rất nhiều người đã nhận định chí lý: Bài hát thời chống Mỹ rất hay, về sau này không thể bằng. Đúng là chẳng bao giờ còn có thể tìm thấy vẻ đẹp của những cô gái mở đường: Em đi lên rừng, cây xanh mở lối. Em đi qua núi, núi phải cúi đầu. Em đi bắc những nhịp cầu. Nối những con đường tổ quốc yêu thương. Cho xe thẳng tới chiến trường…
Đó là những cô gái thanh niên xung phong còn tươi trẻ đáng yêu trong “Cô gái mở đường” của Xuân Giao – những cô nàng mà “chưa thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”. Đó là những cô giao liên luôn tự hào, kiêu hãnh và ý thức sâu sắc được công việc của mình: Đời giao liên bước tôi đi dài theo đất nước. Đường tôi đi núi chênh vênh có mây bay dưới chân dăng hàng. Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước. Đời tôi như cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn…( Bài Đường tôi đi dài theo đất nước của Vũ Trọng Hối).
Họ hồn nhiên, ung dung tự tại, bước vào cuộc kháng chiến bình thản, giản dị như làm bất cứ công việc gì của đời thường. Họ yêu đời, lạc quan từ trong bản chất. Nhưng họ chỉ là những người “vô danh”, cống hiến, hi sinh mà không cần ai phải trầm trồ, tôn vinh mà chỉ “những con đương mới biết mà thôi”. Hay nói như nhà thơ Thanh Hải, họ luôn nguyện làm “một con chim hót, một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”.
Phong trào tiếng hát át tiếng bom ngày ấy không chỉ dấy lên mạnh mẽ ở vùng hoả tuyến, trên những cung đường Trường Sơn, bên những hố bom ven đường mà còn âm vang rộn rã ở hậu phương, trên những cánh đồng 5 tấn, trong những nhà máy, hầm lò, xí nghiệp. Tuổi trẻ nông thôn hát: 5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ. Một đóa hoa thơm mang tất cả sức trẻ già. Đất với người cùng một dòng suy nghĩ. Ấy phải làm gì với tiền tuyến hôm nay. Ấy phải làm gì nắm phần thắng trong tay. (Bài ca năm tấn – Nguyễn Văn Tý). Tuổi trẻ hầm mỏ hát: Nhìn gương than lấp lánh như muôn vì sao sáng. Ta đứng đây như đứng trước vũ trụ bao la, trong cuộc chiến đấu trường kỳ, ta là người chiến thắng, nhưng gian khổ nào bằng đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh dũng… (Bài ca người thợ mỏ – Hoàng Vân).
Khắp nơi nơi, tiếng hát đã át hẳn tiếng bom. Quả là “Nhịp sống mới rộn rã nơi nơi náo nức lòng người. Sóng thi đua vang khắp nơi nơi, dậy khắp đất trời. Đất nước đang vui mùa chiến thắng. Khắp nơi đang tràn ngập chiến công. Tiền tuyến reo vui cùng hậu phương”.
40 năm đã trôi qua, khói lửa chiến tranh đã tan. Thời đạn bom khốc liệt ấy đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi và âm điệu hào hùng của thời tiếng hát át tiếng bom ấy vẫn vang vọng trong tâm khảm người Việt Nam hôm nay. Với chúng ta, thời ấy vẫn chưa xa./.
St

1 nhận xét: