Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ!

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, với nội dung cốt lõi là trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cẩn, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời!
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng của người cách mạng, ví như gốc của cây, ngọn nguồn của dòng sông: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có dạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Với cán bộ, đảng viên, càng phải yêu cầu cao về đạo đức, bởi: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh dược nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; khắc phục bệnh kiêu ngạo, quan liêu, xa dân, khinh dân, lên mặt “quan cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao cả hai mặt đức và tài ở mỗi con người. Trong mối quan hệ giữa đạo đức và tài năng, Người khẳng định đạo đức là gốc, nó quyết định sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Nhờ đó mà đạo đức góp phần to lớn vào việc quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho con người, trước hết là cho cán bộ, đảng viên.
Trung với nước, hiếu với dân là nội dung cơ bản, đầu tiên của đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, người cách mạng không gì hạnh phúc hơn là được phục vụ nhân dân; cái gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì hại đến dân thì phải hết sức tránh. Người cách mạng phải trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm cho đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Theo Người: “Nói một cách vắn tắt, thì đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. “Trung với nước hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu nói đó của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị đạo đức cho mỗi người Việt Nam không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt, mà còn lâu dài về sau.

Hai là, Yêu thương con người
Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người rất toàn diện và độc đáo. Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người dành tình yêu thương rộng lớn cho những người cùng khổ. Những người lao động bị áp bức bóc lột, Người viết: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Tình yêu thương của Người còn thể hiện đối với những người có sai lầm khuyết điểm. Với tấm lòng bao dung của một người cha, Người căn dặn, chúng ta: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời".

Ba là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Đức tính “cần” của người cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo, năng suất, hiệu quả cao, không lười biếng; “kiệm” là phải tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tài sản, tiền bạc của dân, của nước, của bản thân mình, không xa xỉ, phô trương, hình thức...; “liêm” là phải luôn tôn trọng giữ gìn của công, không tham địa vị, tiền tài, danh vọng...; “chính” là không tà, thẳng thắn, đúng đắn, chân thành, khiêm tốn, không tự cao, tự đại, không dối trá, lừa lọc; “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Người cách mạng phải chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, “Dĩ công vi thượng”, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", “thiết diện vô tư”. Không “tư thù, tư oán”, không “kéo bè, kéo cánh”, không “ưa người nịnh bợ mình, ghét người không hợp với mình”... Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải... thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch...”.

Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng.
Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết với nhân dân lao động; là đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới; là đoàn kết với các dân tộc vì mục tiêu chung: đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Người đã trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, góp phần cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 
Dưới tác động của nhiều yếu tố: sự cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sự kiểm tra, giám sát của tổ chức chưa chặt chẽ, việc tự rèn luyện kém… làm cho một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Trước những nguy cơ đó mỗi cán bộ đảng viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do đó, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ đảng viên vừa phải tích cực, thường xuyên, liên tục, đồng thời phải được gắn liền với mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người trên cương vị, chức trách được giao./.
Yêu nước ST.

1 nhận xét: