Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

 

Xung đột Hamas - Israel:

Nguyên nhân từ đâu, diễn biến tiếp theo thế nào?

 

          Hôm 7/10, Hamas - nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine đang kiểm soát Dải Gaza - đã bắn một loạt tên lửa và đưa các tay súng vào Israel, làm leo thang cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ ở khu vực Trung Đông. Israel đáp trả bằng một loạt đòn không kích nhắm vào Gaza và tuyên bố chiến tranh chính thức với Hamas vào ngày 8/10. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gửi đi thông điệp video tới người dân: “Hỡi các công dân Israel, chúng ta đang có chiến tranh". Hơn 1.100 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh cuối tuần qua, trong đó có hơn 700 người Israel, hầu hết là dân thường và khoảng 400 người Palestine.

          Điều gì đã xảy ra?

          Khoảng 6h30 sáng ngày 7/10 theo giờ địa phương, tiếng còi báo động vang lên tại nhiều thành phố của Israel khi nước này liên tục hứng tên lửa. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các chiến binh từ Dải Gaza đã tiến vào Israel bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, một số sử dụng dù lượn. Theo IDF, khoảng 2.200 quả tên lửa đã được bắn vào Israel. Con số mà Hamas đưa ra là 5.000. Ông Muhammad Al-Deif, chỉ huy quân sự Hamas, gọi chiến dịch này là “Cơn bão Al-Aqsa”. Ông khẳng định mục đích của cuộc tấn công là phản đối hành vi xúc phạm nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem và cuộc phong tỏa Dải Gaza của Israel. Hôm 8/10, Hamas cho biết chiến binh của nhóm này vẫn còn hiện diện ở các thành phố phía nam Israel. Hamas đang hỗ trợ họ bằng các cuộc tấn công tên lửa vào thành phố Ofakim, Sderot, Yad Mordechai, Kfar Aza, Be’eri, Yated, và Kissufim.

          Israel phản ứng như thế nào?  

          Israel đã phát động “Chiến dịch Thanh kiếm Sắt”, nhắm vào một loạt mục tiêu ở Dải Gaza. IDF kêu gọi thường dân ở Gaza rời khỏi nơi ở ngay lập tức trong lúc quân đội Israel tìm đánh lực lượng Hamas. Chia sẻ với CNN hôm 7/10, phát ngôn viên của IDF là ông Richard Hecht cho biết Israel đã huy động “hàng chục nghìn” quân dự bị để phản ứng với cuộc tấn công. Chính quyền Thủ tướng Netanyahu cũng đang “chuẩn bị sẵn sàng ở phía bắc” nhằm đề phòng các cuộc tấn công từ Lebanon hoặc Syria. Đến ngày 8/10, IDF cho biết họ đã tấn công 426 mục tiêu ở Gaza, trong đó có 10 tòa tháp mà họ cho rằng do Hamas sử dụng. Ở phía bắc, nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon (được cho là do Iran hậu thuẫn) đã nhận trách nhiệm cho vụ tấn công vào ba địa điểm của Israel bằng tên lửa và pháo binh. Israel đáp trả bằng các loạt pháo.

          Mâu thuẫn giữa hai bên là gì?

          Căng thẳng giữa Israel và người Palestine đã tồn tại từ trước khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm.

Israel chiếm được Dải Gaza từ Ai Cập trong cuộc chiến năm 1967, sau đó rút lui vào năm 2005. Lãnh thổ này là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine và đã nằm dưới sự kiểm soát của Hamas từ năm 2007.

Sau đó, Israel và Ai Cập đã phong tỏa nghiêm ngặt lãnh thổ Gaza. Israel còn kiểm soát cả không phận và lãnh thổ hàng hải của Gaza. Trước chiến dịch quân sự ngày 7/10, cuộc chiến gần nhất giữa Hamas và Israel diễn ra vào năm 2021, kéo dài 11 ngày, khiến ít nhất 250 người ở Gaza thiệt mạng và 13 người Israel tử vong.

          Hamas là ai?

          Hamas là một nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine ra đời vào năm 1987. Giống như hầu hết các phe phái và đảng phái chính trị của người Palestine, Hamas khẳng định Israel là thế lực chiếm đóng và đang cố gắng giải phóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Hamas coi Israel là nhà nước bất hợp pháp và đây là một trong những lý do nhóm này từ chối các cuộc đàm phán hòa bình trong quá khứ.

          Hamas coi mình là lựa chọn thay thế cho chính quyền dân tộc Palestine (PA). PA hiện do ông Mahmoud Abbas lãnh đạo và có trụ sở tại khu vực Bờ Tây. Chính quyền này đã công nhận Israel cũng như từng tham gia vào nhiều sáng kiến ​​​​hòa bình với Israel nhưng bất thành. Trong những năm qua, Hamas đã nhận trách nhiệm cho nhiều cuộc tấn công vào Israel. Nhóm này bị Israel, Mỹ và Liên minh Châu Âu xếp vào diện khủng bố. Israel cáo buộc Iran hỗ trợ cho Hamas.

          Đền al-Aqsa có ý nghĩa gì?

          Đền al-Aqsa là một trong những địa điểm được tôn kính nhất trong đạo Hồi và đạo Do Thái. Đây là điểm nóng giữa Israel và người Palestine trong suốt nhiều thập kỷ. Hamas cho biết một trong các lý do khiến họ phát động chiến dịch “Cơn bão Al-Aqsa” là để bảo vệ ngôi đền. Người theo đạo của Palestine và lực lượng Israel thường xuyên đụng độ tại đây, theo CNN. Cảnh sát Israel đã đột kích ngôi đền nhiều lần trong năm qua. Đền al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, nơi nhiều người Palestine muốn trở thành thủ đô cho nhà nước tương lai của họ. Tuy nhiên, Israel đã chiếm được Đông Jerusalem từ Jordan trong cuộc chiến kéo dài 6 ngày vào năm 1967 và coi cả Đông cũng như Tây Jerusalem là “thủ đô vĩnh cửu” của mình.

          Các nước phản ứng thế nào?

          Phương Tây lên án cuộc tấn công của Hamas và cam kết hỗ trợ Israel. Các quốc gia Ả Rập, bao gồm những nước đã công nhận Israel, kêu gọi các bên bình tĩnh. Tổng thống Mỹ Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu của Israel vào ngày 7/10. Ông cho biết: “Tôi đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho chính phủ và người dân Israel”.

          Arab Saudi, vốn đang đàm phán với Mỹ về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel, cho biết nước này đang theo dõi sát sao tình huống “chưa từng có” hiện nay. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Arab Saudi đăng trên mạng xã hội X kêu gọi “hai bên ngay lập tức dừng leo thang xung đột”.

          Các quốc gia đối địch của Israel hoan nghênh cuộc tấn công của Hamas. Tướng Rahim Safavi của Iran phát biểu: “Chúng tôi chúc mừng các chiến binh Palestine và sẽ sát cánh cùng họ cho đến khi Palestine và Jerusalem được giải phóng”. Lực lượng Hezbollah ca ngợi cuộc tấn công trên kênh Al Manar và cho biết họ đang liên lạc với các nhóm vũ trang người Palestine “trong và ngoài nước”.

 

1 nhận xét: