Những
chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12-2023
Gỡ "nút thắt" cơ chế thanh toán chi phí khám,
chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ngày 19-10-2023,
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Thứ trưởng Bộ Y
tế Trần Văn Thuấn cho rằng, với nhiều điểm mới, Nghị định số 75 có các quy định
mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế
thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho công
tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia
bảo hiểm y tế.
Nghị định bổ sung
và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, sửa đổi mức hưởng bảo hiểm y tế và tăng cường
vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản
lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Các quy định mang
tính chất đổi mới, đột phá của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ,
Bộ Y tế và các bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cả người tham gia bảo hiểm y tế, cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế; nâng
cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Nghị định có hiệu
lực thi hành từ ngày 3-12-2023. Riêng quy định bãi bỏ tổng mức thanh toán được
áp dụng từ 1-1-2019, một số quy định về bổ sung đối tượng, tăng mức hưởng, được
áp dụng từ ngày ban hành Nghị định (19-10-2023) để bảo đảm kịp thời quyền lợi
của người tham gia bảo hiểm y tế.
Quy định mới về thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu
tư của Nhà nước
Ngày 7-11-2023,
Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31-3-2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của
Nhà nước. Trong đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi thời hạn và lãi suất cho
vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo quy định
mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm
sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ
của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.
Mức lãi suất cho
vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định,
đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi
phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín
dụng kể từ ngày 22-12-2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân
của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước
không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
Nghị định này có
hiệu lực từ ngày 22-12-2023.
Quy trình tiếp
nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình
Chính phủ ban
hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng,
chống bạo lực gia đình. Trong đó, nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố
giác về hành vi bạo lực gia đình.
Nghị định nêu rõ,
Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử
dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về
hành vi bạo lực gia đình.
Tổng đài hoạt
động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực
gia đình. Tổng đài được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện
ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả cuộc gọi đến, gọi đi.
Nghị định cũng
nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình
qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng,
chống bạo lực gia đình.
Người nước ngoài
cư trú tại Việt Nam bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu
cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng
để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại các điểm d, đ và e
khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2023.
Từ 1-12, giao
dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Theo Quyết định
11/2023 thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày
1-12-2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân
hàng Nhà nước.
Quyết định này
quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính
phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện
kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ).
Đối tượng báo cáo
là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có
liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa