Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

HRW LẠI TÁI DIỄN ĐIỆP KHÚC VU CÁO TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW (Human Rights Watch - HRW) được thành lập năm 1988, là tổ chức phi chính phủ, bị chi phối bởi sự bảo trợ, nguồn kinh phí hoạt động của nhiều nước phương Tây. Tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền của tổ chức này phù hợp với các chính sách và lợi ích của những chính phủ đã chi tiền để HRW hoạt động nên thiếu tính độc lập và không thể thoát khỏi quan điểm chính trị và lập trường của nhiều nước phương Tây. Các báo cáo, phúc trình về nhân quyền của tổ chức này thường bị bộ ngoại giao của nhiều nước cho rằng sai sự thật, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt, gây ra phản ứng tiêu cực tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Liên bang Nga đã nhiều lần chỉ trích HRW về những động thái tuyên truyền xuyên tạc, kích động tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước này. Trung Quốc không ít lần áp dụng các biện pháp trừng phạt HRW. Thái Lan cấm cửa trang web của HRW hoạt động. Singapore cũng bác bỏ chỉ trích của tổ chức phi chính phủ này về Luật tin tức giả vào năm 2019. HRW còn bị nhiều quốc gia như Cuba, Srilanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... chỉ trích, phản đối.

Vừa qua, tổ chức này công bố báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023, trong đó tiếp tục có đánh giá mang tính vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Báo cáo này cho rằng, năm 2023, Việt Nam mở rộng đàn áp,  thẩm vấn, ngược đãi, bỏ tù các nhà hoạt động xã hội dân sự; xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập; giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập; hạn chế ngặt nghèo các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và truyền thông, nhóm họp, lập hội... ; các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bắt giữ tùy tiện, biệt giam…

Thực tế, năm 2023, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Về phương diện chính trị, pháp lý, tính đến hết 2023, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập hầu hết công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và cam kết, thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý; mọi đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người. Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 14).

Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, với mục tiêu bảo vệ công lý, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, công bằng, dân chủ, văn minh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, việc bắt, giam giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, minh bạch…

Trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã tích cực triển khai các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia; quyền về việc làm, thu nhập, quyền sở hữu, an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe, quyền được học tập, giáo dục, quyền được tham gia vào đời sống văn hóa được bảo đảm.

Trên lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam tôn trọng, công nhận tự do tôn giáo, tín ngưỡng, cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự...

Với những thành tựu, thực tiễn tiến bộ như trên Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính vì vậy, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025) của Liên hợp quốc với số phiếu cao.

Vậy mà HRW cố tình như không biết, vẫn nhai lại điệp khúc sai trái, bịa đặt.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét