Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

CẦN GIÁO DỤC SÂU SẮC HƠN VỀ LỊCH SỬ DÂN TỘC CHO THẾ HỆ TRẺ

 Thời gian qua, thông tin, hình ảnh về biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Bangladesh và đặc biệt là Myanmar, từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc tràn lan trên không gian mạng thông qua các nền tảng như Facebook, Telegram, Youtube… Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống đối đã triệt để lợi dụng những vụ việc trên để tiến hành các hoạt động xuyên tạc thông tin và hướng lái dư luận theo mục đích khác. Thông qua các hình thức bình luận chuyên đề, hội luận, họ lồng ghép ý đồ xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới kích động bạo loạn, biểu tình tại Việt Nam. Các trang như Việt Tân hay Chân trời mới Media thì tung hứng kiểu “Liệu Việt Nam có giống như Venezuela”; “chúc mừng người dân Bangladesh thay đổi chế độ độc tài, bao giờ tới Việt Nam”…

Qua những cuộc biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang theo hướng “cách mạng màu” nói trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính không gian mạng là một trong những phương tiện truyền thông quan trọng được các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân, ban đầu là theo các phong trào đường phố, tiến tới đi đến bạo loạn, tấn công lực lượng cảnh sát, quân đội, gây tê liệt, sụp đổ chính quyền. Từ đó, các thế lực thù địch dựng lên những chính quyền tay sai không có quyền lực thực tế hoặc đất nước bị xâu xé bởi những phe phái chính trị, vũ trang sắc tộc, tôn giáo…

Còn tại Việt Nam, từ lâu các thế lực thù địch cũng đã triệt để lợi dụng không gian mạng nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” và đã gây ra một số vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự. Điều dễ nhận thấy là các hoạt động của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối đều thể hiện có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ, bài bản.

Đối với vấn đề lịch sử dân tộc; những sự việc đáng báo động liên quan đến lịch sử dân tộc liên tiếp xảy ra khiến cho dư luận không khỏi bức xúc, bất bình và đau lòng về việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Điển hình như: xuất hiện video về những bạn trẻ khi được hỏi không biết Ngày độc lập là ngày gì; báo Dân trí có sự nhầm lẫn giữa “Ngày Độc lập” với “Ngày Thống nhất” hay Quang Trung và Nguyễn Huệ là ai?

Chúng ta không bao giờ được phép quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Lịch sử của chúng ta là sự hy sinh anh dũng của bao lớp người thế hệ ông cha đi trước trải qua các cuộc chiến khó khăn, gian khổ vì nền độc lập dân tộc của đất nước. Nếu không được hiểu đúng, không được dạy một cách bài bản, cẩn thận, đầy đủ, tường tận thì còn gì là lịch sử, còn gì là hào hùng ông cha.

Chúng ta cần phải có một cái nhìn nghiêm túc về bộ môn lịch sử vì nó liên quan mật thiết tới sự tồn vong của một dân tộc. Có những kẻ viện cớ vào điều đó để lật sử, để phủ nhận vai trò quan trọng của môn lịch sử trong nhà trường, không đồng ý với việc môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc, thì những kẻ đó cần phải được xem xét, kiểm điểm lại. Đó là hành vi "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nhận thức và tư duy.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, một số phần tử bất mãn liên tục đăng tải những nội dung sai sự thật, lật sử một cách trắng trợn núp bóng tinh vi dưới rất nhiều hình thái khác nhau để trà trộn vào trong các hội, nhóm làm thay đổi, xáo trộn thông tin lịch sử (ví dụ như việc tẩy trắng lịch sử để ca ngợi Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy); Pétrus Trương Vĩnh Ký cấu kết với thực dân Pháp, làm tay sai chỉ điểm cố vấn đắc lực cho Pháp đàn áp phong trào kháng chiến của người Việt cũng được tôn tiền bối, anh hùng dân tộc; hành động "cõng rắn cắn gà nhà" của Nguyễn Ánh (tức Gia Long) lại được suy tôn,… và còn nhiều trường hợp khác gần đây nổi lên nữa).

Hãy nhìn tích cực vào hai nền giáo dục đi đầu Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đây, họ cũng từng có thời gian xem Lịch sử là môn phụ và rồi sau ấy họ cũng nhận ra sự sai lầm của mình. Quan trọng hơn cả là Nhật và Hàn đều dám sửa sai và sửa sai một cách cấp tốc. Và sau sự sửa sai ấy, kết quả ai cũng đã rõ ràng.

Do đó, khi bàn về vai trò của môn Lịch sử thì không cần tranh cãi nữa. Bởi Lịch sử không chỉ đơn thuần là việc học về những sự kiện trong quá khứ. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội, văn hóa và nhân loại. Môn này không chỉ là việc nắm bắt thông tin về lịch sử, mà còn là việc phát triển kỹ năng nghiên cứu, phân tích và đánh giá thông tin một cách logic và khách quan. Thay vì để nó trở thành môn học tự chọn sao không tìm cách cải thiện để môn lịch sử dễ tiếp cận, dễ hiểu, tăng tính ham học cho học sinh, thúc đẩy tinh thần dân tộc trong mỗi bài giảng của mình./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét