Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

CẢNH GIÁC VỚI HIỆN TƯỢNG LỢI DỤNG, XUYÊN TẠC HÌNH ẢNH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

 

Gần đây, trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều tài khoản TikTok, Facebook, YouTube... với những tên gọi “rất kêu”, chẳng hạn như: “Yêu bộ đội”; “Yêu lính”; “Màu xanh biên cương”; “Bộ đội của dân”...

Thoạt nhìn, không ít người lầm tưởng đó là tài khoản chính thức của một cơ quan, đơn vị nào đó trong Quân đội, song kỳ thực không phải như vậy. Đây là những trang cá nhân đang lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để "câu view", "câu like", đánh bóng tên tuổi, bán hàng, xuyên tạc... nhằm thu hút và “thao túng tâm lý” người xem. Đáng lo ngại hơn là một số cán bộ, đảng viên chưa nhìn nhận một cách thấu đáo hiện tượng này, đã vội vàng ủng hộ bằng cách nhấn yêu thích, thả tim và có những bình luận tỏ ra a dua, đồng lõa.

Qua theo dõi và tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng các trang này phần lớn là của những người thiếu hiểu biết về Quân đội, trong đó có không ít bạn trẻ đã lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để kiếm tiền một cách bất chính. Đáng nói là mặc dù họ muốn làm giàu nhưng năng lực tư duy lại hạn chế, không có khả năng sáng tạo nội dung mà thường xuyên cóp nhặt, cắt ghép, dàn dựng, đăng tải những thông tin, hình ảnh làm sai lệch bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Việc một số cá nhân lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để trục lợi ngày càng nhiều trên không gian mạng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Còn nhớ, đầu tháng 7-2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện một đối tượng tự xưng là Phan Quốc Khải, công tác tại Ban CHQS huyện Xuân Lộc, gọi điện cho ông Nguyễn Duy Sáu, chủ cửa hàng dụng cụ nông nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ để chèo kéo, môi giới nhằm thực hiện hành vi lừa đảo nhưng bất thành. Ông Sáu cho biết: Họ thường đặt một số mặt hàng giá trị lớn mà cửa hàng không có, sau đó cung cấp một đơn vị khác có những loại hàng hóa trên để chúng tôi đặt mua qua mạng cho kịp thời gian giao hàng và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Tiếp đó, trên cổng thông tin chính thức của một số bệnh viện uy tín như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 103 cũng đã đưa ra cảnh báo về việc gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, nhóm mạo danh các cơ sở y tế quân sự để thực hiện hành vi chào bán thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ y tế kém chất lượng, làm tổn hại sức khỏe của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành y học Quân đội. Tất nhiên, các đối tượng này đã bị vạch trần và xử lý theo pháp luật.

Nguy hại hơn, lợi dụng sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều đối tượng đã giả mạo một số chức danh lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của các cơ quan, đơn vị Quân đội để gọi video trực tuyến, nhắn tin qua Messenger, Zalo... “thông báo” đến các gia đình có quân nhân tại ngũ về một số vấn đề liên quan đến pháp luật, kỷ luật như: Làm hư hỏng, thất thoát tài sản chung, phải bồi thường; tham gia cá độ, chơi lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi quá khả năng chi trả; mất đoàn kết, gây thương tích... Từ đó đe dọa, buộc gia đình phải chuyển tiền vào tài khoản để “chạy án”, nếu không sẽ bị “xử lý nghiêm khắc”...

Có thể thấy rằng, trong những vụ việc nêu trên, mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng, tinh vi, xảo quyệt nhưng đều có chung một phương thức, đó là lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để “mua chuộc” lòng tin của nhân dân nhằm phục vụ hành vi lừa đảo. Nếu không tỉnh táo, không chủ động xác minh thông tin kỹ lưỡng, chúng ta sẽ bị đánh lừa bởi những “vở kịch” mà kẻ gian đã công phu dàn dựng, để rồi... “tiền mất tật mang”.

Không dừng lại ở đó, một số tài khoản vốn đã núp bóng Bộ đội Cụ Hồ nhưng lại thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc về hình ảnh người quân nhân cách mạng theo kiểu “ăn không nói có”, “chuyện bé xé ra to”, “vơ đũa cả nắm”... Đặc biệt, các đối tượng xấu còn thường xuyên giật tít “rất kêu” nhằm kích thích sự tò mò của cộng đồng mạng, dạng như: “Thông tin mật”, “góc khuất của lính”, “ma cũ bắt nạt ma mới”, “sự thật về bộ đội”... Thời điểm đăng tải, tán phát thông tin cũng rất nhạy cảm, nhất là những lúc đơn vị thực hiện nhiệm vụ khó khăn, đột xuất; trước mỗi mùa tuyển quân; trong các kỳ huấn luyện chiến sĩ mới; khi quân nhân chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào môi trường quân ngũ.

Ví dụ như vụ việc xảy ra tại Trường Quân sự Quân khu 7 hồi tháng 1-2023. Chỉ vỏn vẹn vài giờ sau khi bị cáo Nguyễn Lê Tấn Tài đăng tải nội dung bịa đặt, sai sự thật về việc một nữ sinh viên bị hiếp dâm tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh trên fanpage UFH Confession, bài viết đã tạo ra “làn sóng” tương tác dữ dội với hàng trăm nghìn lượt tiếp cận, bình luận, chia sẻ. Trong đó có rất nhiều người phản ứng một cách thái quá, mặc dù chưa rõ bản chất của vấn đề. Đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Hậu quả là Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lê Tấn Tài mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Quân đội là trường học lớn của tuổi trẻ. Bên cạnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm ra sức thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm, vẫn còn đó những quân nhân, những cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, tự giác trong chấp hành điều lệnh, điều lệ, dẫn tới vi phạm các chế độ quy định. Tuy nhiên, cấp ủy, chỉ huy các cấp tuyệt đối không bao che, giấu giếm khuyết điểm mà đã xem xét, xử lý nghiêm minh; đồng thời thông báo rộng rãi để rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị nói riêng, toàn quân nói chung. Điều đó lại càng khẳng định bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đúng với tư tưởng: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét