Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

CUỘC ĐỜI THẬT ĐẸP CỦA MỘT “VỊ TƯỚNG” TÀI, ĐỨC VẸN TOÀN

“Cuộc đời một con người mới 43 tuổi đã để lại sự nghiệp như vậy có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có đức, có tài, một con người mẫu mực” - Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết về đồng chí Nguyễn Chánh.

Đồng chí Nguyễn Chánh, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, khóa II, từng đảm nhận các chức vụ: Chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Liên tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên; Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng).

Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Từ Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ

Đồng chí Nguyễn Chánh sinh trưởng trong một gia đình nho học yêu nước và cách mạng, ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí đến với cách mạng, với Đảng, khi mới bước vào tuổi 14.

Được giáo dục và rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Nguyễn Chánh đã có những bước trưởng thành nhanh chóng trên nhiều mặt. Đặc biệt, đồng chí có cái nhìn sắc sảo và đánh giá thời cuộc với độ khái quát cao. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) đồng chí đã nói ngay với các đồng chí bị giam trong nhà tù ở Thừa Phủ (Huế): "Tình hình này, thế nào ở Ba Tơ cũng có khởi nghĩa, tôi phải về Quảng ngay".

Vừa về đến Quảng Ngãi, đồng chí Nguyễn Chánh được bổ sung vào Tỉnh ủy lâm thời, được phân công phụ trách quân sự và trực tiếp lãnh đạo trên cương vị Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ cùng các đồng chí Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt...

Việc thông báo anh Nguyễn Chánh lên tăng cường lãnh đạo, chỉ huy Đội du kích Ba Tơ đã thổi vào toàn Đội một luồng sinh khí mới, một niềm tin và hy vọng của Đảng và của đồng đội.

Lúc này, toàn Đội du kích đang lâm vào tình thế hầu như bị bế tắc, bởi vẫn giữ chủ trương lưu động trên rừng núi để xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng và chiến đấu... Trước tình hình đó, tuy mới lên chiến khu được mấy hôm, qua nghiên cứu các mặt, đồng chí Nguyễn Chánh kiến nghị: Phải xây dựng và củng cố chi bộ Đảng để làm hạt nhân lãnh đạo, và phải đưa Đội du kích về đồng bằng, dựa vào phong trào cách mạng của quần chúng để xây dựng, phát triển và chiến đấu. Dựa vào dân, được nhân dân che chở là kín đáo nhất, xây dựng căn cứ trong nhân dân là vững chắc nhất.

Trong buổi đầu, vạn sự đều khó khăn, lại không thầy, không sách, phải mò mẫm tìm tòi, thì đây là một cống hiến đầu tiên rất đặc sắc của đồng chí Nguyễn Chánh cho kho tàng lý luận cũng như hoạt động thực tiễn xây dựng và chiến đấu của quân và dân ta.

Cùng tập thể, đồng chí Nguyễn Chánh đã đem hết sức lực và trí tuệ lãnh đạo việc xây dựng và tác chiến của Đội du kích. Nhờ đó, Đội du kích đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng, thực sự là lực lượng nòng cốt cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công hoàn toàn ở Quảng Ngãi.

“Nay nhìn lại, nghiên cứu kỹ Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và lịch sử Đội du kích Ba Tơ, chúng ta có thể thấy sự lãnh đạo của Đảng ở Quảng Ngãi và của anh Nguyễn Chánh hồi bấy giờ thật vững vàng, sắc sảo; ngay từ đầu đã nắm vững những vấn đề rất cơ bản trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và của nhân dân… Đó là điều hết sức quan trọng và không dễ chút nào, nhất là trong điều kiện cách mạng còn ở trong tình trạng trứng nước và ở xa sự chỉ đạo của Trung ương hồi bấy giờ” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết.

"Biến hậu phương địch thành tiền phương ta"

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, quân và dân Nam Trung Bộ cùng quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã phải dốc sức tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong tình thế hiểm nguy, vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Nguyễn Chánh được giao trọng trách làm Ủy trưởng Quốc phòng Trung Bộ, chịu trách nhiệm về quân sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Chánh đã cùng tập thể nhanh chóng chuyển cao trào Tổng khởi nghĩa vào chiến tranh cách mạng, đưa quân và dân Nam Trung Bộ bước vào cuộc kháng chiến với khí thế hào hùng và niềm tin tất thắng.

Ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài, đồng chí đã nhận rõ phải tổ chức cho toàn dân đánh giặc, chứ không chỉ có bộ đội đánh giặc; cần xây dựng căn cứ cho từng tỉnh, từng huyện để chuẩn bị đánh giặc dài ngày và gian khổ, chứ không phải chỉ có đánh mấy trận là có thể vào Sài Gòn và một số thành phố khác ở miền Nam để duyệt binh; phải tự lực về các mặt để kháng chiến lâu dài trong điều kiện bị bao vây bốn bề, không nhận được sự chi viện của Trung ương; phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang gồm có dân quân tự vệ và bộ đội địa phương một cách rộng khắp, bảo đảm đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay và bằng các cách đánh phù hợp.

Đồng thời cần phải xây dựng chủ lực mạnh để có quả đấm quyết định; phải xây dựng thế trận phòng thủ có chiều sâu, hình thành nhiều tuyến, chứ không dàn "mành mành" như trong chiến đấu vừa qua ở một số nơi; phải kiên quyết ngăn chặn cuộc tiến công của địch ở chính diện kết hợp với đẩy mạnh đánh phá trong hậu phương của chúng, buộc chúng phải bị động đối phó cả trước mặt và sau lưng, rơi vào thế "lưỡng đầu thọ địch"; phải lấy vũ khí địch đánh địch, nhưng về cơ bản và lâu dài thì cần phải tự sản xuất phần quan trọng mọi trang bị vũ khí, do đó cần khẩn trương xây dựng các xưởng sản xuất vũ khí của Liên khu 5.

Trong kháng chiến chống Pháp, chấp hành chỉ thị của Trung ương và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chánh là người kiên quyết đưa chiến tranh vào sau lưng địch "biến hậu phương địch thành tiền phương ta", và đã vận dụng thật sáng tạo phương thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" vào điều kiện chiến trường Liên khu 5, nhất là Hạ Lào và Đông - Bắc Campuchia.

Để tạo điều kiện cho hoạt động của quân dân ta trong vùng địch hậu, Liên khu 5 đã chủ động liên tiếp mở các chiến dịch đánh vào phía sau lưng địch, như các chiến dịch Đông - Xuân 1949 - 1950 ở Quảng Nam và Khánh Hòa, Hè 1949 trên đường 19 (Gia Lai)...

Là người lãnh đạo, là công bộc của dân, đồng chí Nguyễn Chánh có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của dân và lòng thương yêu nhân dân như máu thịt của mình. Có lẽ nhờ sống, công tác, chiến đấu và lăn lộn cùng quần chúng, nên ở đồng chí mới nổi bật được đức tính cao quý ấy của một nhà lãnh đạo. Và có lẽ cũng nhờ đó mà anh đã trở thành người lãnh đạo đích thực của quần chúng, chiếm được lòng tin tuyệt đối của quần chúng.

Còn trong Quân đội thì tình thương yêu của anh đã tỏa đượm đến từng chiến sĩ. Anh cũng thường nhắc, cán bộ cũng phải có tình thương ấy. Có lần, khi đi khảo sát chiến trường sau trận đánh Măng Đen (28-1-1954), anh đứng lặng hồi lâu trước vệt máu dài theo đường cửa mở đến tận lô cốt địch bị đánh sập.

Với giọng bùi ngùi đầy xúc động và thương cảm, anh nói: "Phải mất bao xương máu mới có được một chiến thắng"; và khi Hiệp định Geneva sắp có hiệu lực, có cán bộ đề nghị cho tập kích chỗ này, nơi nọ, anh lệnh ngay: "Không được để đổ máu của chiến sĩ dù chỉ một giọt...". Anh thường tâm sự: "Người làm tướng, dưới cờ có hàng vạn quân, lớp này ngã thì có lớp khác đứng lên ngay, nhưng còn người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con... họ chỉ có một, đã ngã xuống là hết...".

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, đồng chí Nguyễn Chánh được giao đảm nhiệm chức vụ Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng). Đến năm 1958, Quân đội bắt đầu thực hiện chế độ phong quân hàm cho sĩ quan.

Trong hồi ký của mình, Trung tướng Đặng Hòa ngày ấy là Trưởng phòng Quân hàm đã kể lại khi đề cập việc phong quân hàm cấp tướng cao nhất trong đợt phong đầu tiên này lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Bác Hồ và Quốc hội phê chuẩn, đề nghị đồng chí Nguyễn Chí Thanh cấp Đại tướng, Nguyễn Chánh cấp Thượng tướng.

Thế nhưng, con người tài năng, đức độ ấy đã ra đi mãi mãi vào mùa thu năm 1957 (cận ngày phong quân hàm) khi mới tròn 43 tuổi, đúng lúc đang tuổi xuân xanh của một chiến sĩ cách mạng tràn đầy sức sống, phẩm chất tài năng, còn có thể làm biết bao việc, góp phần cống hiến biết bao quý báu cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Do vậy, đồng đội và nhân dân thường gọi đồng chí Nguyễn Chánh là “Vị tướng không quân hàm” với tất cả lòng ngưỡng mộ, kính nể, yêu quý và tiếc thương./.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét