Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

DÂN HỌ BIẾT CẢ ĐẤY

 

Đó là câu nói của một anh lái xe taxi công nghệ chia sẻ trên đường chở tôi về nhà, sau khi chứng kiến những hình ảnh rất xúc động về dòng người xếp hàng dài đến tận nửa đêm, kiên nhẫn chờ đợi được vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà của Tổng Bí thư - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Đặc biệt là, khi Linh xa đi từ Nhà Tang lễ về Nghĩa trang Mai Dịch, dù nắng nóng, nhưng rất đông người dân, có cả những cụ già và em nhỏ, những người tàn tật, nhiều người đi từ các tỉnh xa… đã đến sớm, hòa vào dòng người đứng lặng yên hai bên đường; nhiều người mang di ảnh, hoa để tỏ lòng thành kính, tri ân công lao, đóng góp to lớn, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân của Tổng Bí thư, ngưỡng mộ trí tuệ, tấm gương đạo đức, phong cách giản dị, lối sống thanh bạch của Tổng Bí thư và gia đình. Những giọt nước mắt, những cái chắp tay và giây phút mặc niệm hết sức thành kính của hàng triệu trái tim tiễn đưa Tổng Bí thư về với đất mẹ.

Có lẽ khó có “mệnh lệnh hành chính” nào có thể “chỉ đạo” được sự thành kính của người dân, ngoài “mệnh lệnh của trái tim”, thôi thúc họ đến bày tỏ tình cảm đối với những Người mà họ cảm nhận được, linh cảm được, thấu hiểu được về tâm nguyện và những cống hiến đặc biệt lớn lao cho Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân - trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng ta. Tấm gương về trí tuệ, đạo đức cách mạng sáng ngời, mẫu mực của những Người tận hiến vì nước, vì dân có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ, đã tạo ra “mệnh lệnh” tự nhiên, đánh thức lương tri và thôi thúc người dân có thể đợi nhiều giờ trong đêm khuya, giữa nắng nóng hay mưa gió, chỉ để tỏ bày tấm lòng của mình đối với một Người đã “mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân”.

Anh lái xe còn nói thêm nhiều câu nữa, chẳng hạn như: “Dân họ tinh lắm”, “Lòng dân họ không bao giờ nhầm đâu anh nhỉ?”, “Họ biết cả đấy anh ơi”... Những câu nói của anh chàng lái xe, dù tuổi đời còn rất trẻ, cứ văng vẳng bên tai tôi, khiến tôi phải lặng đi, rơi vào dòng suy tư của chính mình. Đúng là, “dân họ tinh lắm”, “họ biết cả đấy”, họ biết những người thương dân, gần dân, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và họ cũng biết cả đấy, dù có giấu giếm, che đậy bằng cách nào, những người dù nói thì rất hay, nhưng trên thực tế, chỉ chăm chăm lo thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình hòng “vinh thân phì gia”.

Đúng như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Người còn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên rất thấm thía rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.  

Sự ra đi của Tổng Bí thư dường như đánh thức lương tâm trong mỗi người, gợi cho chúng ta những phút giây tự suy ngẫm về đạo đức, bổn phận của mình đối với những người xung quanh, đối với tập thể, với Tổ quốc và dân tộc, để học tập và noi theo tấm gương về tài năng, trí tuệ, đạo đức và phong cách mẫu mực của Ông. Tổng Bí thư đã yên nghỉ mãi mãi, nhưng tên tuổi của Ông sẽ lưu danh vào sử sách của dân tộc, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; di sản và tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của Ông sẽ mãi tỏa sáng, như Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Đặc biệt là, đối với những cán bộ, đảng viên đang nắm giữ những chức trách, cương vị trong hệ thống chính trị, tin chắc rằng, những hình ảnh về dòng người tiễn biệt Tổng Bí thư đầy xúc động sẽ góp phần đánh thức lương tri và trách nhiệm, để “tự soi, tự răn, tự sửa”, khát khao hoàn thiện bản thân hơn, để không phải hổ thẹn với Người đã khuất và với chính lương tâm của mình, như lời Tổng Bí thư vẫn thường căn dặn, đối với con người, thì “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”./.

St


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét