Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai; là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để hiểu về giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc của Di chúc Bác Hồ, theo tôi cần làm rõ những vấn đề sau:
Một là, Di chúc thể hiện sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung
dung, tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết dặn lại.
Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng,
phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối
hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ý chí, niềm
tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện
sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày hoàn toàn
thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà, những chỉ dẫn về công việc của sự
nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là lời dặn của một người đã suốt đời hy
sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân Việt
Nam.
Hai hai, Di chúc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối
với Đảng cầm quyền, Mở đầu Di chúc Bác viết: Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết
chặt chẽ, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong Di chúc,
Người khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Muốn đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo
toàn xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó
máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy Chủ
nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động của
mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ
gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc
tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách
nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn
Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh
đạo và cầm quyền của Đảng. Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài
lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát
triển lực lượng hiện tại và tương lai một thế hệ trẻ vừa "hồng", vừa
"chuyên", có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một
xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời
sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", đó là công việc bồi dưỡng
lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức
cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người nói rõ: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng
đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Trong tư tưởng của Bác thể hiện rất
rõ, muốn xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng trước hết phải đánh thắng giặc Mỹ,
ý Người muốn nói phải hoàn thành cách mạng dân tộc, nước phải độc lập, hai miền
Nam-Bắc phải thống nhất. Và khi nước độc lập rồi phải xây dựng đất nước Việt
Nam đàng hoàng, to đẹp hơn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn vận dụng
Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến
bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây
dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi
ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là
gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Giá trị văn hoá của
Di chúc rất lớn lao, trong đó Bác chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền
văn hoá Việt Nam; giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá
chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước-một Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân làm sức
mạnh tiêu biểu. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến
việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí;
mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Suốt 55 năm qua, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy
tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những
thắng lợi vẻ vang, đưa nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh là một dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại lời căn dặn tâm huyết
cuối cùng của vị Cha già kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn
hóa thế giới trước lúc đi xa. Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin
tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đồng
lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Quyết tâm xây dựng một nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa vỉ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét