Sinh thời, Người căn dặn chúng ta
không chỉ nói đi đôi với làm, nói thì phải làm - đó là nguyên
tắc sống, mà còn chỉ dẫn cho chúng ta điều thiết thực; “nói ít
làm nhiều, chủ yếu là hành động” đó là phương châm sống, là thực hành lối sống. Thực hành nguyên tắc và phương châm
sống như thế, xét đến cùng, cũng chỉ vì nhân dân, vì cuộc sống của nhân dân, vì
lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Lo cho nhân dân thì phải hành động, phải
bằng việc làm chứ không dừng lại ở lời nói. Ngay từ những ngày đầu đất nước mới
giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là
Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu
tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh, chúng ta phải
thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có
chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự
do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm. Ngay trong phiên họp đầu tiên
của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, sau lễ tuyên bố độc lập, Người đã đề nghị
Chính phủ phát động trong toàn dân, mỗi người cứ mười ngày nhịn ăn một bữa để
có gạo giúp người dân bị đói và Người đã nghiêm khắc thực hiện điều đó như một
tấm gương. Nghĩa cử cao đẹp đó của Người đã có sức thúc đẩy và lan tỏa rộng
khắp, đó thực sự là Chính phủ của dân, vì dân. Lời nói đi đôi với việc làm của
Người đã tạo dựng một Chính phủ liêm chính bằng sự gương mẫu của người đứng
đầu. Để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì Nước, Người chính thức thông
báo với toàn thể quốc dân đồng bào để mọi người được biết, Người sẽ nhận tất cả
các con liệt sĩ là con mình. Người chuyển tiền lương của Người cho bác sĩ Vũ
Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên của Việt Nam để cứu tế
xã hội, góp thêm phần quà cho các cháu như một niềm động viên an ủi, thấm đẫm
tình thương yêu của Người.
Để có nhân tài giúp nước, Người
gửi thư cho đồng bào trong cả nước, nhờ dân giúp đỡ Chính phủ tìm kiếm các bậc
tài đức, mách bảo với Chính phủ để Chính phủ trọng dụng. Bản thân Người đã đích
thân lựa chọn, thuyết phục, động viên các bậc nhân sĩ, trí thức đem tài năng,
tâm huyết của mình ra giúp nước, giúp dân và sắp đặt họ vào những công việc
xứng đáng, cảm hóa, thu phục họ với tất cả lòng thành, tin cậy và quý trọng. Người đã thực hành lối sống tiết
kiệm, tiết kiệm đến mức khắc khổ, dành cho dân chúng phần tối đa, dành cho mình
phần tối thiểu, bởi Người hiểu rõ hơn ai hết, mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng
ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Theo Người, thương dân thì
phải biết tiết kiệm, còn lãng phí tức là không thương dân; tham ô, tham nhũng
là làm hại dân, có tội với dân, với nước. Người chỉ rõ, phải nghiêm trị tất cả
những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị nào. Vì bảo vệ
cái thiện, mà cái thiện lớn nhất là dân, nên phải nghiêm trị cái ác, trừng trị
tham ô, tham nhũng như trừng trị một tội ác, bởi giặc nội xâm cũng nguy hiểm
không kém gì giặc ngoại xâm, thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì nó phá từ trong phá
ra, hại dân hại nước, làm ô uế, tổn thương tới uy tín, thanh danh của Đảng. Bản
Quốc lệnh của Người và sự kiên quyết thi hành Quốc lệnh của Người từ năm 1946
là một minh chứng lịch sử cụ thể.
Người dạy, thanh niên phải ham
học, ham làm, ham tiến bộ, chỉ có một điều ham muốn đó thôi, phải rèn chí khí,
phải nuôi dưỡng hoài bão lớn sao cho ích quốc, lợi dân, phải tránh xa những cám
dỗ, cạm bẫy của tiền bạc, địa vị, chức quyền, bởi những thứ đó dễ làm hư hỏng
con người. Bản thân Người đã nêu gương sáng cho cán bộ, đảng viên, cho thế hệ
trẻ và cho toàn dân từ những điều Người nói bằng những việc làm. Và Người
đã chiêm
nghiệm rằng “một tấm
gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, đã đúc kết”
gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”. Cuộc đời và sự nghiệp của Người
nổi bật ở thực hành với năm
thực hành lớn, tiêu biểu nhất,
đó là:
Thực hành lý luận gắn liền với
thực tiễn. Người nhấn mạnh: Thực hành
sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận và lý luận lãnh đạo thực hành.
Thực hành dân chủ. Suốt đời, Người phấn đấu thực hành dân chủ, nước độc lập thì
dân là chủ
và dân làm chủ. Theo Người, từ Chủ
tịch nước đến các nhân viên trong các công sở đều phải nêu cao trách nhiệm phục
vụ nhân dân, là đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân, tiếp thu, lắng
nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, làm gương cho nhân dân noi theo, trọng
dân gắn liền với trọng pháp. Người suốt đời
gần dân, tin dân và thương dân. Chỉ tính riêng 10 năm cuối đời, dù tuổi đã cao,
sức đã yếu, mà Người vẫn vô số lần về với nhân dân ở cơ sở, đặc
biệt là với nông dân ở nông thôn. Thực hành dân chủ là một trong những thực hành rất tiêu biểu của
Người, là tấm gương cho tất cả mọi người noi theo, nhất là với đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền. Phải làm đúng phận sự, quyền hành mà nhân
dân ủy thác, giao phó để thực hiện các quyền của nhân dân, thực hành dân chủ để
chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Thực hành dân chủ tập trung hay tập
trung dân chủ để bảo đảm cho Đảng là một tổ chức mạnh, kỷ luật nghiêm, có sức
chiến đấu, thống nhất ý chí và hành động để Đảng vì nhân dân và nhân dân tin
Đảng, theo Đảng đến cùng.
Thực hành dân vận: Người là bậc thầy về dân vận và suốt đời chăm lo cho công
tác dân vận. Người căn dặn và tự mình nêu gương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
làm “Dân vận khéo”, “phải thật thà nhúng tay vào nhiệm vụ, không bỏ sót một
người nào”, “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” để
nhân dân tin, nhân dân ủng hộ, nhân dân làm theo.
Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết: Người chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy đoàn
kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân; đồng thời, ra sức củng cố tinh thần
đoàn kết, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, với các đảng anh em trong
phong trào cộng sản quốc tế. Suốt đời thực hành đoàn kết, Người là hiện thân,
là linh hồn của đại đoàn kết toàn dân tộc, Người đã tổng kết thành nguyên lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”;
“Thành công, thành công, đại thành công”. Đặc biệt cảm động là những lời căn
dặn của Người trong Di chúc, yêu cầu mỗi đảng
viên và tổ chức đảng phải “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn
con ngươi của mắt mình”, mà ngày nay Đảng ta đang nỗ lực thực hiện trong công
cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư. Có thể nói, đó là” thực hành của mọi thực hành”, xuyên
suốt và thấm nhuần trong mọi thực hành khác. Người là mẫu mực về đạo đức cách
mạng, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân. Người nêu cao bản
lĩnh và dũng khí đánh bại chủ nghĩa cá nhân, lại hết lòng nâng niu giá trị con
người, quan tâm tới nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Từ những thực hành đó, Người suốt
đời thực hiện nói đi đôi với làm, thống nhất giữa nói và làm. Từ việc nhỏ đến
việc lớn, từ công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đến trù
tính định liệu tương lai, lo việc đối nội và đối ngoại, gây dựng phong trào và
lực lượng, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi chăm lo việc Nước, việc Đảng, việc Dân...
cho đến những việc làm đời thường trong sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, thanh đạm
hằng ngày, Người luôn nhất quán giữa nói và làm, nói ít làm nhiều, nhiều khi
chỉ làm mà không nói, tự việc làm toát lên tư tưởng.
Bởi thế, trên tư cách một nhà tư
tưởng, một triết gia, triết học của Người dường như là “triết
học vô ngôn”. Người nói
ngắn, viết ngắn, rõ ràng, khúc chiết, trong sáng, giản dị, không cao đạo, không
hàn lâm, sách vở, xa lạ với những đại ngôn, phù phiếm, rỗng tuếch, mà luôn gần
gũi với lời ăn tiếng nói, cách suy nghĩ, tâm trạng, ý nguyện của dân, bởi suốt
đời Người tự coi mình là đầy tớ, công bộc của dân, gần dân, vì dân, nên luôn
thấu hiểu dân tình, dân sinh, dân ý, dân nguyện. Cho đến phút cuối cùng,
Người cũng chỉ nghĩ về dân. Người nói “không thể bỏ dân mà đi được”. Câu
nói ấy của Người mãi mãi lắng đọng vào lịch sử, là kết tinh tư tưởng, đạo đức
và phong cách của Người... Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào
lúc này, khi đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới, hướng tới sự phát
triển bền vững, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tăng cường hội nhập quốc tế ngày
càng sâu rộng; đồng thời, khi Đảng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm
cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự gắn kết
“Ý Đảng với lòng Dân” và trở thành phép Nước... thì một trong những điều thiết
thực nhất là thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm, nói thì phải làm,
theo tấm gương của Người.
Đó là cách tốt nhất để dân tin
Đảng thông qua tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đó cũng là điều
cần nhất vào lúc này, để nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn
liền “xây” với “chống”, “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo
đức cách mạng” đúng như dự kiến ban đầu của Người khi đặt tên cho bài báo lúc
cuối đời. Thống nhất giữa nói và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, đội ngũ hơn 5 triệu đảng viên của Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với
nhân dân, với gần 100 triệu dân; khi có nhân dân hỗ trợ, thúc đẩy, giám sát,
kiểm tra,... thì nhất định sẽ làm cho Đảng xứng đáng là Đảng chân chính cách
mạng, là đạo đức, là văn minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét