Những hoạt động chống phá trên đều nhằm tác động vào nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là với những người thiếu bản lĩnh, nhận thức mơ hồ và những kẻ bất mãn vì cho rằng mình không được trọng dụng, đãi ngộ... từ đó gây hoài nghi, suy giảm niềm tin vào Đảng, chế độ XHCN, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên thực tế, rất khó để tách bạch giữa âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch. Bởi chiêu trò của chúng là kết hợp giữa công khai với ngấm ngầm chống phá, thông qua các phương tiện cả truyền thống và hiện đại, đan xen các cách thức, biện pháp với nhiều màu sắc, quy mô, cấp độ, lẫn lộn trắng-đen, thật-giả... rất khó phân biệt, nhận diện. Tuy nhiên, có thể khái quát một số đặc điểm chính trong chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch như sau:
Thứ nhất, các hoạt động chống phá luôn được các thế lực thù địch chủ động tiến hành trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, dưới nhiều hình thức. Triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các thế lực thù địch lập ra các hội nhóm online, tổ chức livestream, hội thảo trực tuyến, đăng tải các bài viết... với nội dung xoay quanh chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và cố tình vẽ ra các bất cập nảy sinh. Thời điểm tiến hành của chúng luôn gắn với các sự kiện, ngày lễ, các thời điểm chuẩn bị và tổ chức tiến hành đại hội đảng, bầu cử, ban hành luật, nghị định... Cách làm phổ biến của chúng là: Khi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước (cả với chủ trương ở cấp cơ sở) mới chỉ ở dạng dự thảo thì chúng đưa ra các “kiến nghị” nhằm hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng; sau khi ban hành thì chúng kích động biểu tình, phản đối; khi các phần tử vi phạm bị bắt và xử lý theo pháp luật, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc và thông qua một số tổ chức, cá nhân để đòi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”, đồng thời vu khống Việt Nam đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền.
Thứ hai, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch diễn ra thường xuyên, liên tục, không ngại bịa đặt, dựng chuyện. Thực hiện phương châm “nói nhiều sẽ tin”, các trang mạng, blog cá nhân, các kênh YouTube... liên tục tiến hành các hoạt động chống phá bằng các bài viết, video clip tuyên truyền xuyên tạc với tần suất và cường độ ngày càng lớn, gần như liên tục, bất kể ngày, đêm. Triệt để lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số người dân, chúng thường xuyên tung ra những thông tin lập lờ giữa đúng và sai, dựng lên những sự kiện không có thật, thậm chí bịa đặt trắng trợn, để gây hoài nghi trong nhân dân. Khi các thông tin chống phá của chúng bị vạch mặt, bóc trần sự thật, chúng lập tức vu cáo ta “độc đoán”, đàn áp tự do báo chí, che giấu thông tin, hoặc tiếp tục bẻ lái, kích động dư luận chống đối, đi ngược lại quan điểm, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Hiện nay, nổi lên là việc một số hội nhóm, tổ chức được sự hỗ trợ của các thế lực, tổ chức phản động nước ngoài, tiến hành các hoạt động xuất bản ấn phẩm báo chí, tài liệu, băng hình đòi xét lại các vấn đề lịch sử, một mặt nhằm “rửa tội” cho bè lũ tay sai, bán nước, một mặt thì dọn đường dư luận để tiếp tục đưa ra luận điệu phủ nhận vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước hiện nay.
Thứ ba, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch diễn ra tinh vi, đa dạng, nhiều chiều. Hiện nay, với sự phát triển mạnh của các mạng xã hội, việc bày tỏ chính kiến với các vấn đề xã hội của nhân dân càng trở nên dễ dàng. Lợi dụng điều đó, để đánh lừa được quần chúng nhân dân, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với các phương thức, chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng ra sức cổ xúy cho cái gọi là “nhận thức đa chiều” hay “nhìn nhận đa chiều” để bới móc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cả trong lịch sử và hiện tại. Chúng tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các diễn đàn, nhất là triệt để lợi dụng một số văn nghệ sĩ, trí thức bất mãn, có quan điểm chính trị lệch lạc để ngấm ngầm cài cắm, tán phát những quan điểm sai trái, phản động; lợi dụng các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tổ chức truyền đạo, lập đạo trái phép để tuyên truyền, lôi kéo những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bằng mồi nhử kinh tế, thông qua tổ chức các hoạt động “du lịch”, “thăm thân”, “hội nghị đầu tư”, “dự án”... chúng “khéo léo” mua chuộc, lôi kéo đội ngũ cán bộ, hoặc dùng các thủ đoạn ghi âm, ghi hình... để vừa vu khống, nói xấu chế độ, vừa ép buộc cán bộ của ta, từng bước làm họ sa ngã, rơi vào lối sống thực dụng, hưởng thụ, từ đó có lời nói, hành vi đối lập với quan điểm của Đảng.
Để góp phần đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cùng với việc chủ động tăng cường thông tin tích cực, đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả các thông tin xấu độc thì điểm mấu chốt vẫn là phải đẩy mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy công quyền, làm cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... mà Đảng ta đã xác định. Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và tính chất nguy hại của nó. Đặc biệt là phải nâng cao chất lượng việc học tập và nghiên cứu lý luận, không chỉ làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấu suốt, đồng thuận cao với mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn làm cơ sở tiền đề để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ, hiệu quả.
Chúng ta cũng cần chú ý phân biệt rõ giữa “quan điểm khác” với “quan điểm thù địch”. Nếu “quan điểm khác”, tức là không giống quan điểm của Đảng (do Đảng chưa tính tới, chưa kịp thời cập nhật...) mà không trái với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có lợi cho đất nước và nhân dân, thì cần nghiên cứu tiếp thu. Còn nếu “quan điểm khác” nhưng ngược với mục tiêu, lý tưởng, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc thì cần phải kiên quyết lên án và đấu tranh bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét