Nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu
Việt Nam đã và đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Sản phẩm của chúng ta có nhiều lợi thế về ưu đãi, về thuế quan, về thâm nhập thị trường.
Vì thế, để thương hiệu của Việt Nam mạnh hơn nữa, mở thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam vươn tầm quốc tế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của DN mà cần chiến lược tổng thể, sự vào cuộc của Chính phủ, tất cả bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, tư duy làm ăn mới phải có thương hiệu, có uy tín. Như vậy giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam nói riêng, thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung được nâng lên. Nhưng muốn có được thương hiệu, từ quy mô quốc gia, ngành hàng, DN cần phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản. Trong đó, các bộ, ngành chức năng nên có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về quảng bá, định hướng tiêu dùng; xúc tiến, phát triển thương hiệu quốc gia.
Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và DN để triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mục tiêu là hướng tới xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN mạnh của quốc gia Việt Nam. Từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) giải pháp đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của xã hội, DN và toàn thể người dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Khi hình thành thương hiệu mạnh đồng nghĩa với việc gia tăng giá trị xuất khẩu. Tiếp đó là có giải pháp hỗ trợ DN Việt Nam có năng lực xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm; cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chí.
Đối với DN, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, DN cần tổng hòa 3 giá trị cốt lõi để mang lại thương hiệu mạnh. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng đều, ổn định, mang tính bền vững... Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu mạnh phải mang tính tiên phong. Trong cùng lĩnh vực ngành hàng, thương hiệu này mạnh hơn các thương hiệu khác, đó chính là yếu tố tiên phong. Yếu tố tiên phong thể hiện thông qua uy tín của người đứng đầu thương hiệu, sở hữu thương hiệu, sản phẩm; tiềm lực về tài chính, đầu tư và dẫn dắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét