Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Thông qua các trang mạng phản động, mạng xã hội: Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo…, các thế lực thù địch, phản động dùng nhiều lời lẽ, hình ảnh, video, clip cắt ghép để thông tin không đúng sự thật, như: “Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại”; hay “việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị”.
Trước thực tế đó, đấu tranh phản bác lại những luận điệu
xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch không chỉ nhằm khẳng định chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước
ngoài, mà còn trực tiếp góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong
thời kỳ mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong suốt những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng,
phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đối với
người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là Nghị quyết
số 08-NQ/TƯ ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với
người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp đó là Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26-3-2004 của
Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết đã nêu
rõ tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; chủ trương và
phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; chỉ rõ những nhiệm vụ
chủ yếu, như: Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định
cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại,
đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước; hoàn chỉnh và xây dựng
mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của
trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; hoàn chỉnh và xây dựng mới
các chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh
ở trong nước; đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, các hình thức tập
hợp với mục đích đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp đỡ lẫn
nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc của bà con, nhất là của thế
hệ trẻ trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán nước sở
tại…
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015
về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị
khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 12-KL/TƯ về công tác
đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, khẳng định: Dù ở bất cứ
nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn
dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đến ngày
10-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg về việc phê
duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát
triển đất nước trong tình hình mới”.
Cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn trên, nhiều
văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành trên hầu hết
các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như quốc tịch,
dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh, theo hướng các quyền của cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong
nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc
gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của
mình. Trong các chuyến thăm, làm việc và trao đổi với lãnh đạo các nước, lãnh đạo
Đảng, Nhà nước ta luôn đề nghị chính quyền sở tại có những biện pháp hỗ trợ cụ
thể, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội
nhập tốt vào xã hội sở tại. Bên cạnh đó, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở
nước sở tại, cũng như bảo hộ công dân luôn được chú trọng.
Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác đại đoàn kết, vận
động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương. Kiều bào luôn được tạo điều
kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp
ý vào các văn kiện đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Các hoạt
động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như
Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường
Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường
xuyên được đổi mới và thu hút đông đảo kiều bào tham gia.
Trong những năm gần đây, thành tựu phát triển và vị thế của
đất nước ngày càng nâng cao đã giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có địa
vị và điều kiện phát triển tốt hơn ở nước sở tại. Đồng bào sống xa Tổ quốc
không chỉ tự hào về đất nước mà còn thấy rõ hơn mối quan hệ hữu cơ giữa vai
trò, vị thế của đất nước đối với sự phát triển của chính mình, qua đó có thêm
nhiều niềm tin và động lực đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, có thể khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã ban
hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với người Việt Nam ở nước ngoài,
làm cho vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong
xã hội sở tại ngày càng được nâng cao và tích cực hướng về Tổ quốc, đóng góp
nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới, góp phần làm
cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay”.
Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước
ngoài là những hành động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phá hoại sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những luận điệu đó
cần phải được kiên quyết đấu tranh bác bỏ, để Tổ quốc Việt Nam tiếp tục là nơi
đồng bào các dân tộc trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay xây dựng,
bồi tụ, vun đắp, mãi mãi trường tồn, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường
quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét