Dù không phải là một người sáng tác văn học-nghệ thuật (VHNT) chuyên nghiệp song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng am hiểu về đặc điểm, quy luật vận động và phát triển của VHNT!
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25-7-1948 / 25-7-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đội ngũ văn nghệ sĩ cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước.
Đồng chí nhấn mạnh: “Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”.
Những lời tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ thực trạng một bộ phận văn nghệ sĩ xa rời hiện thực đất nước, phớt lờ thực tiễn tươi ròng, vô cảm trước số phận con người; thay vào đó, đi sâu vào góc khuất, dục vọng tầm thường của cá nhân, mặt trái của xã hội. Trong triết học, người ta gọi đó là “tư tưởng yếm thế”, nghĩa là hoài nghi giá trị tốt đẹp của con người, thờ ơ trước những vấn đề thiết thân của cộng đồng, nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận của nhân dân.
Thông thường, văn nghệ sĩ hiểu biết sâu sắc và có cảm hứng mãnh liệt với đề tài quen thuộc sẽ sáng tác “đều tay” hơn. Điều quan trọng là đằng sau đề tài phản ánh nội dung ra sao, ý nghĩa ẩn giấu là gì? Khi bước chân vào sáng tạo, có văn nghệ sĩ vẫn chưa đề cao trách nhiệm công dân, trong khi lại để cái tôi chi phối quá đà, vỗ ngực tự xem VHNT chỉ là cuộc chơi cá nhân.
Lấy ví dụ, nhiều tác phẩm VHNT xây dựng nhân vật trẻ tuổi, đẹp về ngoại hình nhưng nổi loạn, phá phách, vô trách nhiệm... để thể hiện điều gì? Người trẻ tuổi tâm lý phức tạp, phạm sai lầm trong cuộc sống cũng dễ thông cảm; sau tất cả, tại sao văn nghệ sĩ không tìm đến những cái kết có hậu để hình thành suy nghĩ tích cực, lối sống đẹp? Chỉ có thể giải thích bởi say sưa với tư tưởng yếm thế, nhiều văn nghệ sĩ mới bất chấp tất cả để đưa những điều tiêu cực vào tác phẩm, gây ảnh hưởng độc hại đến giới trẻ.
Một biểu hiện khác của tư tưởng yếm thế trong VHNT ngày nay chính là sùng bái hình thức, tôn thờ kỹ thuật thái quá. Tác phẩm bề ngoài có vẻ mới lạ nhưng rốt cuộc không đọng lại tín điều sâu sắc trong trái tim công chúng, không giúp ích cho cuộc đời. Đành rằng, kỹ thuật hay thủ pháp nghệ thuật trong văn nghệ là điều quan trọng, nhằm đổi mới sáng tạo, tránh khuôn sáo, lối mòn, nhạt nhẽo, nhưng kỹ thuật nào thì phải đi liền với nội dung đó; phù hợp với trình độ nhận thức, mỹ cảm của công chúng.
Nếu quá đà sẽ hóa thành xa lạ, trở thành kỹ xảo lòe bịp công chúng, rơi vào tình trạng “một mình mình biết, một mình mình hay”. Tác phẩm vì thế khó lan tỏa trong cộng đồng, không được tiếp nhận theo hướng “đồng sáng tạo”, khai mở ý nghĩa mới, từ đó rơi vào tối tăm, hũ nút. Điều đáng phê phán là khi tác phẩm VHNT không nhận được sự phản hồi, hưởng ứng tích cực của công chúng, không ít văn nghệ sĩ lại cho rằng do tác phẩm của mình cao siêu và trình độ dân trí chưa đủ để thưởng thức (!).
Ngày nay, có nhiều khuynh hướng sáng tác, nhiều con đường để văn nghệ sĩ trải nghiệm và thử nghiệm, nhưng dù sáng tác như thế nào đi nữa, cũng cần đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Tác phẩm có sức sống trường tồn là khi được công chúng nhắc nhớ, bởi gắn chặt với những mối quan tâm của quần chúng. Càng đọc, càng ngẫm, càng thấy những lời nhắn gửi tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sâu sắc, thấm thía; thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác văn nghệ trong tương lai, với khát vọng có tác phẩm lớn xứng tầm hiện thực lớn lao của dân tộc, đất nước./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét