BÀI 2: NÓI VÀ LÀM BẤT NHẤT NHƯ “ LIỀU THUỐC ĐỘC” ĐỐI VỚI SINH MỆNH CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ!
Khi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt đưa tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố, bắt giam ngày 14-11-2023 và 8 tháng sau đó, ngày 10-7-2024, ông Lê Thanh Vân cũng bị khởi tố, bắt giam khiến nhiều người dân không khỏi bất ngờ!
“Chân mình thì lấm bê bê”...
Trước khi bị khởi tố, một thời gian khá dài, ông Nhưỡng, ông Vân thường xuyên có những phát ngôn mạnh mẽ tại nghị trường về thực trạng tham nhũng và những vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân. Những ý kiến, phát biểu thẳng thắn của hai ông trong nghị trường và khi tiếp xúc với cử tri được báo chí ghi lại đã thể hiện động thái quyết tâm phòng, chống tham nhũng rất hợp với ý Đảng, lòng dân. Thậm chí hai ông không ngại va chạm, không sợ “vạ miệng” khi những lời nói quyết liệt của mình có thể đụng chạm đến nhiều bộ, ngành, song bù lại hai ông ghi thêm nhiều “điểm cộng” trong mắt người dân và dư luận xã hội về tinh thần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, những phát ngôn mạnh bạo về phòng, chống tham nhũng của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân trở nên mất giá trị vì chính bản thân các ông lại dính dáng đến tiêu cực. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian là đại biểu Quốc hội, giữ chức Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi với số tiền hàng trăm nghìn USD. Còn ông Lê Thanh Vân cũng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Thông tin từ Ban Nội chính Trung ương cho biết, chỉ tính trong năm 2023, đã có hơn 270 cán bộ ở các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật vì chính họ cũng tham nhũng, tiêu cực, trong đó có gần 140 trường hợp bị xử lý hình sự.
Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng những năm qua ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả là do trách nhiệm nêu gương trong công tác phòng, chống tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu còn hạn chế. Thực tế đã có những quan chức trong hội nghị, lên đăng đàn hay khi tiếp xúc với nhân dân thì miệng hô hào phải quyết liệt đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, nhưng chính bản thân họ lại có hành vi phiền hà, nhũng nhiễu, nhận hối lộ từ người dân và doanh nghiệp. Chính những việc làm đi ngược lại lời nói của họ đã làm suy giảm hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt trái của những lời “đường mật”
Trong lịch sử hơn 94 năm của Đảng ta, chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước phải tự rời ghế quyền lực và hàng loạt cán bộ chủ chốt của nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương buộc phải thôi chức, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự như 3 năm trở lại đây.
Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay (tháng 8-2024), Đảng ta đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Con số này gấp hơn 1,3 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XII.
Một thực tế đáng buồn là trong số cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do tham nhũng, tiêu cực thì có tới 2/3 trường hợp có khuyết điểm, sai phạm từ các nhiệm kỳ trước mà không bị phát hiện trước khi được đại hội, tập thể cấp ủy và cơ quan cấp trên có thẩm quyền tiến cử, bầu cử, bổ nhiệm. Phải chăng do công tác quy hoạch, kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh để sàng lọc những cán bộ có khuyết điểm, sai phạm nên họ vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ mới, chức vụ cao hơn?
Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Phó chủ nhiệm Khoa Hồ Chí Minh học (Học viện Chính trị), một bộ phận cán bộ dù tay đã “nhúng chàm” sở dĩ vẫn “lọt” qua quy trình công tác nhân sự chặt chẽ vì hầu hết những người này thường có lợi thế hoạt ngôn, diễn thuyết giỏi, nói hay. Sẽ không có gì đáng bàn nếu cán bộ có tài nói năng để phục vụ sự nghiệp chung, mang lại lợi ích chung cho tập thể, cộng đồng, xã hội và đất nước. Tuy nhiên, để “leo cao” lên những địa vị có quyền lực mạnh, sức ảnh hưởng lớn của một tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương thì không ít người tinh vi trau chuốt bản thân bằng cách “khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”.
Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (tháng 6-2021), dư luận từng xì xào về ông Lê Đức Thọ, một doanh nhân ngân hàng sở hữu khối tài sản lớn với nguồn gốc không rõ ràng. Sau khi ông Lê Đức Thọ bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng ngày 8-10-2023, nhiều người đặt câu hỏi vì sao một cán bộ từng không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm rất nghiêm trọng, mang tính hệ thống, kéo dài nhiều năm như ông Thọ mà vẫn được các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giới thiệu và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao nhất của một tỉnh?
Trao đổi về vấn đề này, PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thật đáng quan ngại khi những lời nói dối của không ít cán bộ thời nay được ngụy trang bằng đủ hình thức tinh vi, biến báo bằng đủ chiêu trò khôn khéo, mà biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng làm ít, nói khéo để lấy lòng cấp trên; làm dở, nói hay để tinh vi lách qua các kỳ “sát hạch” quy trình nhân sự của thường vụ, cấp ủy và cấp trên. Kiểu cách, lề thói nói dối “hái ra tiền, ra quyền” như vậy là biểu hiện suy thoái rất nghiêm trọng, làm mọt ruỗng đạo đức công vụ từ gốc rễ.
Trong khi đó, lợi dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và công nghệ thông tin hiện đại, nhiều quan chức cũng ra sức “đánh bóng” hình ảnh cá nhân bằng chủ nghĩa dân túy tầm thường. “Triệt để khai thác sự hoạt ngôn, họ lợi dụng vị trí xã hội, vị trí công tác để chứng tỏ ta đây là người “vì nước, vì dân”, tìm mọi cách rót những lời "đường mật" vào tâm lý đám đông nhằm thu hút, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin tiền hô hậu ủng cho bản thân mình. Nhưng sau khi đạt được mục đích chính trị, những quan chức này dần sa vào tình trạng làm không hay như nói, nói một đằng làm một nẻo. Các vụ việc bị phanh phui, các đối tượng bị xử lý hình sự đã phần nào nói lên sự thật đó”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định.
Thực tế cho thấy, khi cán bộ lãnh đạo rơi vào trạng thái tiền hậu bất nhất giữa phát ngôn và hành động, giữa lời nói và việc làm trong thời gian dài cũng chẳng khác nào tự tích tụ “liều thuốc độc” rồi đến lúc tự kết liễu sinh mệnh chính trị của mình!
“Trong thực tế, nhân dân tin yêu Đảng là nhìn vào những cán bộ, đảng viên cụ thể, nói đi đôi với làm; Đảng muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân phải thông qua những cán bộ, đảng viên tốt, luôn gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực...
Cán bộ, đảng viên mà vi phạm nguyên tắc, quy định, Điều lệ Đảng, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén cá nhân, ưu ái cho gia đình, người thân... ít nhiều “tay đã nhúng chàm” thì nói chẳng ai nghe. Những “ông quan” nói một đằng làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ... thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”.
(Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí dịp Xuân Kỷ Hợi 2019).
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét