Như chúng ta đã biết, quyền
con người là toàn bộ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
được thể chế hoá (ghi nhận) trong pháp luật quốc tế và pháp luật mỗi quốc gia.
Sự tiến bộ của một quốc gia được ghi nhận hay không còn phụ thuộc vào mức độ
tôn trọng, đảm bảo quyền con người và thể chế chính trị quốc gia. Các quốc gia
trên thế giới đều theo đuổi giá trị nhân quyền và chỉ khi nhân quyền được đảm
bảo thì quốc gia đó mới được coi là phát triển, phồn vinh. Chúng ta hoàn toàn
không phủ nhận sự tiến bộ, văn minh về quyền con người của các quốc gia phương
Tây, về những giá trị nhân bản, cốt lõi mà họ đã làm được. Tuy nhiên, lợi dụng
quyền con người lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sử dụng nhân quyền để can
thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, điều đó bị coi là lạm dụng nhân
quyền để toan tính lợi ích chính trị, đó là hành động phi lý, đi ngược lại với luật
pháp quốc tế và xâm phạm vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Hiển nhiên,
hành động như vậy bị các quốc gia đó tẩy chay, bị cộng đồng quốc tế lên án.
Việt Nam là quốc gia đã
từng bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc chà đạp về nhân quyền nghiêm trọng khi đem
quân gây chiến tranh xâm lược và buộc nhân dân Việt Nam phải đoàn kết, đứng lên
kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ quyền con người. Do đó, Việt Nam luôn
đấu tranh vì nhân quyền và đặc biệt coi trọng quyền con người. Việt Nam luôn
cam kết bảo vệ quyền lợi của mọi công dân, bao gồm quyền tự do tôn giáo, tín
ngưỡng, tự do báo chí, ngôn luận. Tuy nhiên, điều hoàn toàn không thể đảo
ngược, đó là không ai được phép lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nhân quyền để vi
phạm pháp luật, phạm tội, để can thiệp vào các công việc nội bộ của một quốc
gia có chủ quyền. Việc trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội
dựa trên suy đoán cá nhân, các quan điểm, ý kiến thiếu căn cứ có thể tạo ra
tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi phạm pháp trong tương lai.
Một khi luật pháp đã ban
hành, các quy tắc xử sự về luật pháp đã được người dân nắm bắt thì mọi hành vi
vi phạm pháp luật cần được xử lý để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an
toàn xã hội, đặc biệt là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại quyền,
lợi ích của Nhà nước, xã hội. Việc trả tự do một cách vô căn cứ vừa trái với
nguyên tắc luật định, vừa khuyến khích các hành vi vi phạm khác tương tự như Y
Krếch Byă, Phạm Thị Đoan Trang, tất yếu tạo tiền lệ xấu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét